Tiêm kích MiG-21 của không quân Triều Tiên
Việc một máy bay do thám EC-121 Mỹ thu thập tin tức tình báo trên không phận quốc tế đã bị hai tiêm kích MiG-21 Triều Tiên bắn hạ năm 1969 làm 31 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng được cho là sự kiện nguy hiểm nhất, có nguy cơ đẩy Mỹ và Triều Tiên vào một cuộc chiến đẫm máu, thậm chí là nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân, theo CBS News.
Tình báo Mỹ từng phải nhận bài học đắt giá do không nắm được thông tin, khiến nước này bị bất ngờ và suýt nếm mùi thất bại khi 90.000 quân Triều Tiên tràn xuống tấn công Hàn Quốc năm 1950. Từ kinh nghiệm đó, trong thập niên 1950, Mỹ tiến hành chương trình Trinh sát đường không hòa bình (PARPRO) do không quân và hải quân đảm nhận.
Mục đích chính của PARPRO là thu thập tin tức tình báo về Liên Xô và Triều Tiên, với niềm tin rằng việc triển khai khí tài cấp chiến thuật sẽ không khơi mào xung đột vũ trang lớn. Nhưng với Bình Nhưỡng, PARPRO bị coi là hành động thù địch nhằm ngăn chặn việc thống nhất bán đảo Triều Tiên.
Sau 200 chuyến bay do thám trót lọt, ngày 15/4/1969, phi cơ EC-121 của Mỹ cất cánh từ một căn cứ phía đông Nhật Bản, bay theo hướng tây bắc về bờ biển Triều Tiên để thực hiện nhiệm vụ có mật danh Deep Sea 129. Tổ lái Mỹ tin rằng việc bay trên không phận quốc tế giúp họ tránh các sự cố với Triều Tiên.
EC-121 là phiên bản cải tiến của máy bay chở khách Lockheed Super Constellation. 4 động cơ phản lực giúp nó có tốc độ hành trình 410 km/h, trần bay 7.600 m. Máy bay mang theo trang thiết bị điện tử nặng 6 tấn để theo dõi liên lạc vô tuyến, được sự hỗ trợ cảnh giới của radar trong hành trình từ Nhật Bản đến Hàn Quốc.
Chiếc EC-121 tới gần Triều Tiên, bắt đầu bay theo quỹ đạo hình elip dài 190 km để thu thập thông tin. Lúc 12h30, một số tiêm kích MiG-21 cất cánh từ căn cứ ở Triều Tiên và hướng về phía chiếc máy bay do thám. Các trạm radar ở Hàn Quốc phát hiện sự hiện diện của số MiG-21 và phát cảnh báo cho phi hành đoàn, nhưng chiếc EC-121 không nhận được thông tin này.
Lúc 13h00, EC-121 liên lạc với căn cứ nhưng không đề cập đến những tiêm kích MiG-21 tiếp cận. Đây là lần liên lạc cuối cùng, nó biến mất khỏi màn hình radar sau đó 20 phút.
"Nếu nhận được cảnh báo, chiếc EC-121 có thể bổ nhào để tăng tốc và thoát khỏi tầm hoạt động của radar đối phương, hoặc tối thiểu là tránh xa bờ biển Triều Tiên", Richard Mobley, cựu sĩ quan tình báo hải quân Mỹ, nhận định.
Bình Nhưỡng sau đó xác nhận đã bắn hạ chiếc máy bay do thám, cho rằng nó vi phạm không phận nước này, trong khi Washington bác bỏ hoàn toàn cáo buộc. Bất chấp căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô nhanh chóng cử hai tàu khu trục tới biển Nhật Bản để hỗ trợ tìm kiếm chiếc EC-121 của Mỹ. Đây được cho là hành động nhằm thể hiện sự phản đối của Moscow với việc Bình Nhưỡng bắn rơi chiếc EC-121.
Mỹ cân nhắc trả đũa hạt nhân
Cựu điệp viên CIA George Carver cho biết Tổng thống Mỹ Richard Nixon lúc đó đã hết sức tức giận, sau đó gọi điện cho tổng tham mưu trưởng liên quân để ra lệnh tấn công hạt nhân và đề xuất các mục tiêu. Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của Nixon khi đó, cũng liên lạc với các chỉ huy quân đội để sẵn sàng chờ lệnh vào sáng hôm sau.
Vài giờ sau khi xảy ra vụ bắn hạ chiếc EC-121, phi công Bruce Charles được thông báo về vụ việc và nhận lệnh chuẩn bị tấn công sân bay Triều Tiên, nơi phi đội MiG-21 xuất kích. Biên đội tiêm kích F-4 của ông đóng tại căn cứ không quân Kunsan, Hàn Quốc với nhiệm vụ trực chiến, sẵn sàng tấn công hạt nhân nhằm vào Liên Xô.
Sau khi nhận lệnh, Charles kiểm tra máy bay F-4 và quả bom hạt nhân B-61 có sức công phá 330 kiloton, gấp 20 lần quả bom hạt nhân ném xuống thành phố Hiroshima.
Tuy nhiên, sau vài giờ chờ đợi, mệnh lệnh tấn công bị đình chỉ và Charles trở về trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu thông thường. Theo nguồn tin công khai, Tổng thống Nixon và các cố vấn bất đồng về cách phản ứng với Triều Tiên sau vụ việc, nên cuối cùng ông quyết định không tiến hành trả đũa hạt nhân nhắm vào Bình Nhưỡng.
Duy Sơn