Ông Donald Trump sẽ ra tòa hình sự Manhattan, New York, từ ngày 15/4 để xét xử với cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh nhằm chi tiền ngăn sao khiêu dâm Stormy Daniels tung ra thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Quá trình xét xử kéo dài ít nhất 6 tuần và ông Trump sẽ phải có mặt tại tòa 4 ngày làm việc mỗi tuần, trừ các thứ tư.
Đây là cáo buộc khiến Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố cuối tháng 3/2023. Công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg tháng 4 cùng năm công bố cáo trạng với 34 tội danh làm giả hồ sơ kinh doanh nhằm vào Trump. Tỷ phú 77 tuổi cũng sẽ trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị xét xử trong một phiên tòa hình sự.
Cáo trạng được đưa ra sau quá trình điều tra kéo dài nhiều năm, trong đó các công tố viên Manhattan liên tục đình chỉ rồi lại khôi phục điều tra, đến mức nỗ lực này còn được mô tả là "vụ án zombie".
Giới chức liên bang Mỹ bắt đầu điều tra Michael Cohen, luật sư của ông Trump, vào tháng 4/2018 sau khi nắm được thông tin tập đoàn Trump đã chuyển 420.000 USD cho ông này và ghi nhận đây là chi phí pháp lý, dù không có hợp đồng cụ thể.
Trong số đó, 130.000 USD được Cohen ứng trước theo thỏa thuận chi cho sao khiêu dâm Stormy Daniels, người tuyên bố đã có quan hệ tình ái với Trump năm 2006, để ém thông tin này trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo cáo trạng.
Stormy Daniels, tên thật là Stephanie Clifford, sinh năm 1979 tại thành phố Baton Rouge, bang Louisiana và trở thành diễn viên ngôi sao trong ngành công nghiệp phim người lớn. Trong cuốn hồi ký năm 2018, cô cho hay đã gặp và quan hệ tình dục với Trump, lúc đó là một ông trùm bất động sản 60 tuổi, vào mùa hè năm 2006, khi ông vừa có thêm cậu con trai với người vợ thứ ba Melania.
Tuy nhiên, ông Trump phủ nhận có quan hệ với cô, cáo buộc Daniels "tống tiền", "lừa đảo" và hai người không còn gặp nhau kể từ năm 2007. Đến tháng 10/2016, sau khi Donald Trump tuyên bố tranh cử, Daniels thông báo ý định bán câu chuyện của mình với ông cho truyền thông.
Tháng 8/2018, Cohen thừa nhận các sai phạm tài chính trong chiến dịch tranh cử và khai rằng Trump đã chỉ đạo ông chi tiền cho Daniels để "bịt miệng" sao khiêu dâm này.
Cyrus Vance, công tố viên tiền nhiệm của Bragg, bắt đầu điều tra cáo buộc vào tháng 8/2019, và nhận định công ty của Trump đã hạch toán sai quy định trong khoản chi cho Cohen.
Vance cho rằng hành động trên của Trump có thể đã vi phạm luật bầu cử bang và liên bang, cũng như luật thuế New York. Tuy nhiên, các luật sư của Trump lập luận rằng khoản tiền bịt miệng chỉ nhằm giúp bản thân ông không bị "mất mặt, gia đình và hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Trump không bị tổn hại vì câu chuyện từ Daniels, không phải vì lợi ích chiến dịch tranh cử.
Do công tố viên Vance không đưa ra cáo buộc nào với ông Trump liên quan đến sự việc này, cuộc điều tra được gác lại.
Trong cuốn sách xuất bản tháng 2/2023, cựu công tố viên Mark Pomerantz, văn phòng công tố quận Manhattan, giải thích rằng Vance không khởi tố vụ án vì cho rằng cơ hội thành công trước tòa là rất thấp và phải dựa vào những chiến lược pháp lý chưa được kiểm chứng. Ông hoài nghi về tính khả thi của việc áp dụng luật thuế của bang New York để truy tố một ứng viên tổng thống.
Pomerantz cho biết ông sau đó "hồi sinh" cuộc điều tra cáo buộc chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm vào đầu năm 2021 với giả thiết khác. Nếu Daniels tống tiền ông Trump, số tiền đó có thể coi là phạm pháp và nỗ lực nhằm che giấu nguồn gốc số tiền có thể cấu thành hành vi rửa tiền.
Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của Pomerantz cho rằng yêu cầu của Daniels về khoản tiền để giữ kín thông tin không phải là hành vi tống tiền. Pomerantz sau đó cũng nhận thấy không thể áp dụng quy định về rửa tiền vào tình huống này.
"'Vụ án zombie' lại trở về dưới mộ", Pomerantz viết.
Khi rời nhiệm sở vào tháng 1/2022, Vance vẫn không đưa ra cáo buộc nào với cựu tổng thống. "Với tôi, 'vụ án zombie' khi đó đã khá đầy đủ bằng chứng. Nhưng liệu đây có phải hành vi phạm tội theo luật New York không?", Pomerantz đặt câu hỏi.
Hai tháng sau, Bragg được bổ nhiệm làm công tố viên quận Manhattan và quyết định hoãn cuộc điều tra do lo ngại về những hệ lụy liên quan. Tháng 2/2022, Pomerantz cùng Carey Dunne, hai công tố viên đi đầu trong cuộc điều tra Trump, từ chức, dẫn đến một số suy đoán rằng Bragg đã từ bỏ việc theo đuổi vụ án.
Nhưng hai tháng sau, Bragg xác nhận cuộc điều tra đối với ông Trump vẫn đang diễn ra, trong đó giả thiết "làm giả hồ sơ kinh doanh" mà Vance nêu ra trở thành điểm mấu chốt. Bragg cho rằng ông Trump đã làm giả hồ sơ của Tập đoàn Trump để tìm cách che đậy hành vi vi phạm luật tài chính tranh cử liên bang, do khoản chi cho Daniels vượt quá giới hạn quyên góp và luật bang New York cấm quảng bá cho ứng viên bằng "các biện pháp phi pháp".
Bragg hồi đầu năm 2023 đã gửi bằng chứng điều tra cho đại bồi thẩm đoàn để xem xét có nên truy tố ông Trump ra tòa hay không. Cuối tháng 3, đại bồi thẩm đoàn bỏ phiếu nhất trí truy tố cựu tổng thống.
Trump bác bỏ các cáo buộc, cho rằng đây là nỗ lực "săn phù thủy" nhằm cản trở ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Đội ngũ pháp lý của cựu tổng thống đệ đơn đề nghị xóa bỏ các cáo buộc, nhưng thẩm phán liên bang phụ trách xét xử Juan Merchan không chấp thuận.
Theo Business Insider, phía ông Trump đã 11 lần kiến nghị hoãn xử vụ chi tiền bịt miệng. Cựu tổng thống thành công một lần vào tháng 3, giúp lùi thời gian xét xử ban đầu 25/3 thêm ba tuần. Tuy nhiên, ba nỗ lực "câu giờ" gần đây nhất đã bị bác bỏ trong ba ngày liên tiếp 8-10/4.
Làm giả hồ sơ kinh doanh là trọng tội cấp thấp nhất tại New York, với bản án tối đa là 4 năm tù. Giới chuyên gia pháp lý nhận định ngay cả khi bị tuyên có tội, không có gì đảm bảo cựu tổng thống Trump sẽ phải ngồi tù.
Hầu hết trường hợp phạm tội lần đầu liên quan những vụ án phi bạo lực thường chỉ lĩnh án quản chế. Ngoài ra, vị thế của ông Trump, là ứng viên tổng thống hàng đầu đảng Cộng hòa, cũng sẽ khiến thẩm phán ngần ngại khi muốn kết án tù với ông.
Như Tâm (Theo Reuters, Washington Post)