Ông Donald Trump ngày 4/4 trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố, sau khi văn phòng công tố viên Manhattan Alvin Bragg công bố danh sách 34 cáo buộc đối với ông. Các cáo buộc này đều cho rằng ông Trump đã làm giả hồ sơ kinh doanh, liên quan kế hoạch "tóm và diệt" để ém thông tin bất lợi trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Thuật ngữ "tóm và diệt" thường được sử dụng trong lĩnh vực truyền thông ở Mỹ, khi một tờ báo hay tạp chí ký thỏa thuận trả tiền cho ai đó để độc quyền khai thác một câu chuyện. Tuy nhiên, sau khi "tóm" được câu chuyện, họ quyết định không xuất bản, hay "diệt" nó, vì không muốn thông tin bất lợi đó được công khai.
Cáo trạng của công tố viên Bragg cho biết theo kế hoạch này, David Pecker, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty truyền thông American Media Inc. (AMI), chủ sở hữu tạp chí National Enquirer, đã gặp ông Trump tại Tháp Trump vào tháng 8/2015, không lâu sau khi tỷ phú này tuyên bố tranh cử tổng thống.
Pecker đề nghị đóng vai trò "tai mắt" cho chiến dịch tranh cử của ông Trump bằng cách tìm kiếm, phát hiện các câu chuyện tiêu cực liên quan đến ông và tìm cách ém nhẹm thông tin hoặc xoay chuyển tình thế trước khi chúng được xuất bản.
Pecker còn đồng ý đăng các bài viết tiêu cực về đối thủ của ông Trump trong chiến dịch tranh cử trên tạp chí National Enquire. AMI đã thừa nhận điều này trong một thỏa thuận không truy tố với văn phòng công tố viên Manhattan năm 2018.
Theo cáo trạng, kế hoạch săn tìm thông tin tiêu cực này đã khiến ông Trump dính líu đến ba vụ chi tiền "bịt miệng" những người có thể nắm giữ thông tin bất lợi về ông trước thềm cuộc bầu cử 2016.
Khoảng tháng 10-11/2015, Pecker biết tin một cựu nhân viên trực cửa Tháp Trump nói rằng ông Trump có một đứa con ngoài giá thú. Pecker đã chi 30.000 USD cho người này để mua câu chuyện và AMI sau đó kết luận thông tin này không đúng sự thật.
Vụ tiếp theo là AMI chi 150.000 USD để một phụ nữ không lên tiếng về cáo buộc bà có quan hệ tình ái với ông Trump. Cáo trạng không nêu tên phụ nữ này, nhưng có mô tả khớp với người mẫu tạp chí người lớn Playboy Karen McDougal, 52 tuổi. McDougal từng công khai tuyên bố có quan hệ với ông Trump và đưa ra thông tin dàn xếp với AMI.
Theo cáo trạng, Pecker chi tiền để "bịt miệng" người phụ nữ trên sau khi thảo luận với ông Trump và luật sư thân tín Michael Cohen, ngầm hiểu ông Trump sẽ bồi hoàn số tiền này sau.
Trong cuộc trao đổi được ghi âm hồi tháng 9/2016, ông Trump và Cohen đã thảo luận về việc bồi hoàn số tiền 150.000 USD và lên kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, sau khi tham vấn với luật sư của công ty, Pecker từ chối nhận số tiền đó.
Đáng chú ý nhất là cáo buộc ông Trump chi 130.000 USD thông qua Cohen để ém nhẹm thông tin của sao khiêu dâm Stormy Daniels, người tuyên bố mình đã có quan hệ tình ái với Trump khi vợ ông vừa sinh con.
Vào tháng 10/2016, Pecker đã kết nối Cohen với một luật sư của Daniels. Hai bên đồng ý về thỏa thuận giữ im lặng, nhưng ông Trump muốn Cohen trì hoãn thanh toán đến sau ngày bầu cử tháng 11, thời điểm câu chuyện của Daniels sẽ không ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu.
Cohen sau đó vay thế chấp nhà 131.000 USD vào cuối tháng 10/2016 và chi trả cho Daniels thông qua một công ty bình phong, theo cáo trạng, cũng ngầm hiểu sẽ được ông Trump bồi hoàn sau.
Sau cuộc bầu cử năm 2016, giám đốc tài chính Allen Weisselberg của ông Trump đồng ý bồi hoàn gấp đôi cho Cohen, bù đắp thuế phí cùng một khoản thưởng cuối năm 60.000 USD. Tổng số tiền Cohen được nhận là 420.000 USD.
Cohen được trả dần 35.000 USD mỗi tháng cho đến năm 2017. Khoản tiền được mô tả là chi phí dịch vụ pháp lý, theo cáo trạng.
Giới chức liên bang bắt đầu điều tra Cohen vào tháng 4/2018. Văn phòng Bragg cáo buộc ông Trump gây sức ép, thông qua các cuộc điện thoại và bài đăng trên Twitter, để Cohen không hợp tác với điều tra viên. Luật sư này nhận tội vào tháng 8 cùng năm.
Ông Trump luôn phủ nhận mối quan hệ với Daniels, cho rằng khoản tiền Cohen chi cho nữ diễn viên "chỉ là giao dịch cá nhân đơn giản" và luật sư thực hiện giao dịch phải chịu trách nhiệm nếu mắc lỗi, không phải ông.
Joseph Tacopina, luật sư của ông Trump, từng cho biết thân chủ là nạn nhân bị Daniels tống tiền. Ông Trump cũng cho rằng thời hiệu 5 năm để trình hồ sơ khiếu nại theo luật bang New York cũng đã kết thúc. Cựu tổng thống Mỹ gọi cuộc điều tra của công tố viên Bragg là "săn phù thủy" và tuyên bố vô tội khi trình diện tòa án New York lần đầu ngày 4/4.
Tuy nhiên, các tuyên bố "bị tống tiền" của ông Trump có thể không liên quan đến quyết định truy tố, bởi cáo trạng tập trung vào việc kê khai gian lận các khoản chi phí pháp lý. Thời hiệu 5 năm cũng khó gây trở ngại, bởi luật New York không tính thời gian bị can không ở bang này. Ông Trump ở Nhà Trắng trong thời gian làm tổng thống giai đoạn 2017-2021 và ở dinh thự riêng Mar-a-Lago, bang Florida, sau khi hết nhiệm kỳ.
Theo luật New York, làm giả hồ sơ kinh doanh là tội nhẹ, bản án thường dưới một năm tù với mỗi cáo buộc. Tuy nhiên, các công tố viên có thể tăng nặng cáo buộc nếu họ tin bị cáo hành động để thực hiện hoặc che giấu một tội khác, với bản án tối đa lên tới 4 năm tù.
Trong trường hợp của ông Trump, công tố viên Bragg nói các tội khác bao gồm cáo buộc vi phạm luật bầu cử Mỹ.
Điều này đồng nghĩa án tù tối đa với ông Trump là 136 năm nếu ông bị tuyên có tội với toàn bộ 34 cáo buộc. Cựu tổng thống Mỹ gần như chắc chắn sẽ kháng cáo mọi bản án.
"Chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng", Todd Blanche, một luật sư của ông Trump, tuyên bố.
Thẩm phán tòa New York Juan Merchan ngày 4/4 cho ông Trump tại ngoại, ra hạn chót ngày 8/8 để đội ngũ pháp lý của cựu tổng thống đệ trình kiến nghị. Phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 4/12 và quá trình xét xử có thể bắt đầu vào tháng 1/2024, gần thời điểm vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa bắt đầu nhằm lựa chọn ứng viên đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống.
Như Tâm (Theo Reuters, AFP)