Vụ phó thủ lĩnh Hamas Saleh al-Arouri thiệt mạng sau cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV) ở thủ đô Beirut, Lebanon, hôm 2/1 được coi là dấu hiệu cho thấy cuộc đối đầu giữa Israel và Hamas vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan ra khắp khu vực. Thậm chí, nó còn có khả năng châm ngòi cho một chuỗi vụ ám sát có thể kéo theo bên thứ ba tham gia vào xung đột.
Một ngày sau khi al-Arouri bị giết, David Barnea, cục trưởng Cục Tình báo Hải ngoại Israel, tuyên bố nước này sẽ truy tìm và hạ sát mọi lãnh đạo Hamas liên quan đến cuộc đột kích vào Israel hôm 7/10/2023. "Điều đó sẽ mất nhiều thời gian, nhưng chúng tôi sẽ truy đuổi dù họ đến bất cứ nơi đâu", Barnea nói.
Israel chưa công khai thừa nhận tiến hành vụ không kích nhắm vào al-Arouri, nhưng giới quan sát nhận định đây có thể là khởi đầu của "chiến dịch ám sát" mà nước này đã tuyên bố nhắm vào các lãnh đạo Hamas ở nước ngoài. Mark Regev, phát ngôn viên chính phủ Israel, tuyên bố cuộc tấn công nhắm vào al-Arouri là "đòn tấn công cực chính xác" với một thành viên cấp cao của Hamas.
Giới quan sát nhận định điều gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc một phần vào việc al-Arouri thực sự "giá trị" đến mức nào trong mắt Israel và liệu cái chết của ông có tạo ra một điểm bùng nổ trong mối quan hệ đối đầu lâu nay giữa Tel Aviv và Hezbollah hay không.
Hầu hết các thủ lĩnh chính trị lưu vong của Hamas đều sống tại thủ đô Doha, Qatar, nơi họ về cơ bản trở thành các đại diện ngoại giao của nhóm, hoặc thu xếp tài chính cũng như các hình thức hỗ trợ khác cho tổ chức.
Nhưng vai trò của al-Arouri rất khác. Ông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Lữ đoàn Qassam, cánh quân sự của Hamas do chính al-Arouri tham gia thành lập. Ông cũng là người liên lạc quan trọng giữa giới lãnh đạo chính trị bên ngoài tổ chức và các thủ lĩnh quân sự Hamas ở Gaza, trong đó có Yahya Sinwar, người đang bị Israel săn lùng ráo riết.
Thường xuyên qua lại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon, al-Arouri điều hành mạng lưới liên lạc giữa Hamas với các đồng minh quan trọng nhất như Hezbollah ở Lebanon, lực lượng Quds của Iran hay một số quan chức trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới chuyên gia đánh giá cái chết của al-Arouri có thể để lại những lỗ hổng đáng kể trong khả năng kết nối với các đồng minh chủ chốt của Hamas và chắc chắn đây là một đòn giáng mạnh vào tổ chức.
Giới lãnh đạo Israel đã nhiều lần tuyên bố sẽ "diệt trừ" Hamas và cuộc tấn công bằng UAV ở Beirut nhiều khả năng là lần đầu tiên Tel Aviv tấn công một thủ lĩnh Hamas bên ngoài Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng phát.
Nếu các đặc vụ Mossad của Israel tiếp tục theo đuổi chiến dịch báo thù sâu rộng như họ đã thông báo, Qatar sẽ trở thành tâm điểm chú ý. Các chính trị gia Hamas như Ismail Hanniyeh, Khaled Mishal, Mousa Abu Marzouk và Fathi Hamad đã nương náu ở Qatar kể từ khi họ phải chạy khỏi Damascus sau cuộc nội chiến nổ ra ở Syria năm 2011.
Một chiến dịch ám sát ở Qatar được cho là sẽ đẩy căng thẳng khu vực lên đến đỉnh điểm. Nó cũng sẽ gây khó chịu cho Mỹ, quốc gia có mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Qatar. Căn cứ quân sự tiền phương của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ hiện đặt tại căn cứ không quân al-Udeid, tây nam Doha.
Không giống các nước láng giềng Arab ở Vùng Vịnh, Qatar đã không thay đổi chính sách hoặc quan điểm ủng hộ Hamas kể cả sau cuộc đột kích ngày 7/10 và đổ lỗi hoàn toàn cho Tel Aviv về tình trạng bạo lực ở Gaza.
Nếu Israel tiếp tục chiến dịch ám sát các thủ lĩnh hàng đầu khác của Hamas, Qatar có thể buộc phải thay đổi chính sách của mình, cũng như khiến các thành viên Hamas phải chuyển tới tìm nơi trú ẩn mới ở Lebanon, Syria, Iran hay Algeria. Điều này sẽ đánh dấu một bước thay đổi lớn về bối cảnh chính trị và ý thức hệ ở Trung Đông, khi lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ chịu áp lực từ các nước khác, Qatar cuối cùng buộc phải từ bỏ chính sách hỗ trợ Hamas.
Ngay cả khi tình báo Israel không có các động thái tiếp theo, vụ sát hại al-Arouri vẫn có thể dễ dàng tạo ra những tác động gây rủi ro cho an ninh khu vực, đặc biệt là với Lebanon.
Các cuộc tấn công lẫn nhau tại biên giới Israel - Lebanon sau hôm 7/10 khá nguy hiểm nhưng đến nay vẫn được kiềm chế. Cả hai bên đều có xu hướng coi những gì đang diễn ra là tình trạng bạo lực cố hữu và không có ý định leo thang. Song vụ sát hại al-Arouri có thể thử thách khả năng kiềm chế đó.
Israel dường như đã lường trước điều này khi cố gắng đảm bảo rằng tất cả những người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng UAV hồi đầu tháng đều là thành viên Hamas hoặc Tổ chức Anh em Hồi giáo, chứ không phải thành viên Hezbollah.
Tel Aviv cũng ra tuyên bố lưu ý rằng bất cứ ai tấn công al-Arouri đều "không nhắm vào Lebanon". Tính toán đó đã gây khó khăn cho thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trong nỗ lực đáp trả.
Nasrallah tuyên bố lực lượng của ông sẽ trả thù "trên chiến trường" nhằm "giải phóng từng tấc đất Lebanon", ám chỉ một số ngôi làng mà Lebanon coi là vẫn bị Israel chiếm đóng. Nhưng trong bài phát biểu gần đây, ông gợi ý rằng giao tranh sẽ không vượt quá mức "có thể chấp nhận" như hiện nay.
Tuy nhiên, người ta vẫn bàn luận về nguy cơ leo thang căng thẳng, không phải từ Hezbollah mà từ phía Israel. Bầu không khí bất an bao trùm sau vụ ám sát al-Arouri đã khiến khoảng 80.000 người Israel sơ tán khỏi các ngôi làng phía bắc, và ít nhất 75.000 người Lebanon đã tự rời khỏi miền nam đất nước.
Israel tuyên bố hiện diện của lực lượng Hezbollah ở miền nam Lebanon là hoàn toàn không thể chấp nhận được và yêu cầu nhóm này di chuyển quân xa hơn về phía bắc, lý tưởng là vượt ra ngoài khu vực sông Litani, nhằm tạo vùng đệm an toàn ở biên giới.
Hezbollah đang phải chịu áp lực rất lớn ở Lebanon trước lời kêu gọi không tham gia vào một cuộc xung đột quy mô lớn với Israel. Nền kinh tế Lebanon đang lao dốc, đất nước không có tổng thống và chính phủ đã tê liệt trong hơn một năm qua. Xung đột với Israel sẽ không mang đến bất kỳ lợi ích nào.
Hezbollah đã trả đũa vụ hạ sát al-Arouri bằng cuộc tấn công vào một trạm radar ở miền bắc Israel, không gây ra thương vong hay thương tích nào và thậm chí không khiến cơ sở này phải ngừng hoạt động.
Israel đáp trả vào ngày 8/1 bằng cách leo thang hơn nữa. Họ tấn công và giết chết Wissam al-Tawil, phó chỉ huy lực lượng Radwan tinh nhuệ của Hezbollah, chuyên hoạt động ở khu vực biên giới với Israel.
Người phát ngôn quân đội Israel đã đe dọa sẽ gây chiến ở Lebanon nếu Hezbollah không đồng ý rút lực lượng khỏi miền nam. Theo giới phân tích, lời đe dọa này, hoặc mang tính bộc phát, bắt nguồn từ nỗi tức giận về cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, hoặc là một hành động cố ý nhằm đẩy căng thẳng leo thang hơn nữa.
"Trong cả hai trường hợp, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải gấp rút tìm ra công thức mà cả Israel và Hezbollah đều có thể chấp nhận được, hoặc một lần nữa buộc phải kiềm chế Israel bằng cách sử dụng câu nói yêu thích mới của Tổng thống: 'Đừng làm vậy'", bình luận viên Hussein Ibish từ tạp chí Atlantic, nhận xét.
Vũ Hoàng (Theo Atlantic, AFP, Reuters)