TTƯT.PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, cho biết nam bệnh nhân cấp cứu tại viện đêm ngày 2/7, với tình trạng nặng như choáng, chấn động não, sưng mí mắt phải, một số vết thương ngoài da, tay chân. Trong thời gian theo dõi và kiểm tra chuyên sâu, anh có hiện tượng chảy nước mắt nhiều, mắt phải nhìn mờ.
Khi kiểm tra kỹ hơn, bệnh nhân không có dị vật trong mắt, không rách bao sau của thủy tinh thể. Tuy nhiên, bác sĩ phát hiện tình trạng rách giác củng mạc và vỡ thủy tinh thể. Đây là chấn thương nặng, thể thủy tinh vỡ có thể dẫn tới kích hoạt phản ứng viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, gây mù lòa. Đồng thời, vết thương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng.
Để điều trị trường hợp này, bác sĩ chỉ định khâu phục hồi giác củng mạc, mổ phaco loại bỏ phần thủy tinh thể vỡ, thay thủy tinh thể mới nhằm khôi phục thị lực, tránh tối đa biến chứng.
"Một ca phẫu thuật phải hoàn thành đồng thời ba mục tiêu trên, khó khăn hơn so với điều trị đục thủy tinh thể thông thường", bác sĩ Hiệp nói.
Ca mổ kéo dài hơn một giờ, diễn ra ngày 4/7. Sau khi khâu giác củng mạc, bác sĩ sử dụng máy Phaco Centurion hút loại bỏ thủy tinh thể vỡ. Công nghệ tay cầm Active Sentry của máy giúp ổn định nhãn áp, hạn chế tối đa biến chứng. Toàn bộ quá trình không gây mê, chỉ gây tê nhãn cầu.
Sau ca mổ, bệnh nhân hết tình trạng đau và chảy nước mắt. Khi sức khỏe cơ thể ổn định, anh được xuất viện. Hiện sau nửa tháng điều trị, bệnh nhân hồi phục thị lực.
Theo PGS Hiệp, chấn thương mắt nằm sâu bên trong, khó nhận biết. Trong khi đó, bệnh nhân gặp tai nạn giao thông thường choáng, tinh thần hoảng loạn nên không ý thức rõ bất thường của cơ thể. Vì vậy, việc cấp cứu, phối hợp đa chuyên khoa đóng vai trò rất quan trọng trong phát hiện bệnh kịp thời, từ đó nâng tỷ lệ điều trị thành công, tăng khả năng phục hồi.
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn về mắt tại đây. |
Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao lưu ý vỡ thủy tinh thể là chấn thương nặng, song có thể xảy ra trên mọi đối tượng trong quá trình lao động, sinh hoạt hàng ngày. Tình huống thường gặp là bị dị vật đâm, bắn vào mắt như bút, đũa, hạt thóc, đá dăm, mảnh gỗ... Bệnh không thể điều trị tại nhà, tự chữa, đòi hỏi chuyên môn trong xử lý.
Người gặp tai nạn cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, thăm khám và xử lý kịp thời. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tuân thủ lịch tái khám định kỳ theo dõi tình trạng mắt và tránh biến chứng.
Để phòng các chấn thương mắt, PGS Hiệp khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tham gia giao thông. Những công việc đặc thù như cơ khí, mộc, lâm nghiệp... cần sử dụng kính bảo hộ. Vật sắc nhọn cần đặt xa tầm với của trẻ em, bao bọc thật kỹ và dán nhãn cảnh báo sau khi sử dụng.
Ly Nguyễn
*Tên người bệnh được thay đổi.
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn về mắt tại đây.