"Đây là lần đầu tôi so găng Aliyev Tayfur. Thú thực tôi không có nhiều thông tin về đối thủ này vì dịch bệnh suốt hai năm qua, các võ sĩ đều ít thi đấu. Nhưng đã tới Olympic rồi, đối thủ nào cũng như nhau thôi. Gặp ai chiến đó, lên đài là tôi chơi hết mình", Văn Đương nói với VnExpress. "Sang Tokyo, tôi không gặp vấn đề gì về thời tiết và ăn uống. Hiện tại, thể trạng và tinh thần ổn".
Tại vòng loại hôm 9/3 tại Jordan, Văn Đương bất ngờ hạ võ sĩ Thái Lan Chatchai Decha Butdee chỉ sau 32 giây. Tay đấm sinh năm 1996 nhờ đó trở thành võ sĩ quyền Anh Việt Nam đầu tiên được dự Olympic sau 32 năm chờ đợi.
"Tôi có chút hồi hộp vì chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tôi cũng mới lên tuyển quốc gia, mới dự SEA Games 2019 và vòng loại Olympic. Trước đó, năm 2014, tôi chỉ một lần dự vòng loại Olympic trẻ tại Bulgaria", Văn Đương nói thêm. "Thời gian vừa rồi dịch bệnh nên cũng không có giải để đấu. Sau khi giành vé Olympic, tôi chỉ dự đúng một giải, là giải VĐQG vào tháng 12/2020".
Để giúp Văn Đương rèn luyện, hai đồng đội ở đội quyền Anh Việt Nam là Nguyễn Văn Giới hạng 60kg và Vũ Thành Đạt hạng 64kg thay nhau vào đấu tập cùng. Cách tập này giúp Văn Đương duy trì phong độ, nhưng anh vẫn thiếu cảm giác thi đấu. Anh nói: "Nếu có thêm các giải khác, mình sẽ được cọ xát với nhiều lối đánh khác nhau. Và khi thi đấu, cảm giác trên võ đài cũng khác, cách đánh cũng khác, chơi gắt và quyết liệt hơn. Nhưng dịch bệnh mà, chúng ta phải chấp nhận thôi".
Lối đánh sở trường của Văn Đương là tấn công. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho Olympic, võ sĩ sinh năm 1996 phải rèn thêm nhiều cách chơi khác. Võ sĩ Việt Nam tiết lộ: "Tôi mạnh tấn công, nhưng tại Olympic, nhiều đối thủ hơn mình. Gặp đối thủ trình độ cao hơn mà đôi công thì chỉ có thiệt. Nếu gặp đối có đòn nặng, lỳ, mình cần phải chuyển sang đánh có trọng điểm, di chuyển chờ cơ hội. Còn sau một phút thăm dò, nếu thấy đối thủ lực yếu hơn, tôi sẽ dồn ép tấn công. Tại Olympic, tôi sẽ phải điều chỉnh lối chơi để phù hợp với từng đối thủ".
Sinh năm 1996 tại Bắc Giang, từ nhỏ Văn Đương đã mê phim võ thuật và học taekwondo ở trường. Hết năm lớp 7, biết người anh họ đang học quyền Anh ở đội Công an Nhân dân, anh xin bố mẹ lên Hà Nội tập cùng. "Hồi đó, tôi nặng chỉ 32 kg, bé xíu nên được gọi là 'Gà con'. Thầy ban đầu còn không nhận vì thấy tôi người nhỏ quá, và chỉ cho tôi tập hai tháng hè để rèn sức khoẻ. Nhưng sau đó, nhận thấy tố chất và sự quyết tâm của tôi, thầy cho ở lại".
Năm 2010, ngay lần đầu dự giải trẻ toàn quốc, Văn Đương giành HC vàng lứa 13-14 tuổi. Một năm sau dự giải, anh thua ngay trận đầu, trước đối thủ năm trước vô địch lứa 15 tuổi. Tới năm 2012, Văn Đương lại thất bại ngay trận ra quân, trước đối thủ gian lận tuổi. Chán nản vì thành tích đi xuống, Văn Đương về quê, ôn lại văn hoá rồi tính thi vào một trường quân đội. Nhưng chỉ một tuần sau, anh gọi điện xin mẹ được bỏ học để trở lại Hà Nội, tiếp tục theo đuổi đam mê võ thuật.
"Lúc đó, ngày nào tôi cũng tập chạy, tập kỹ thuật ra đòn, dù xác định bỏ võ", Văn Đương kể lại "Khi xin lại, may các thầy thương, nên tiếp nhận tôi. Ba tháng sau, tôi thi đấu ở giải quốc gia, giành HC đồng. Thành tích này giúp tôi tự tin, tiếp tục theo đuổi boxing và đạt thành công như ngày hôm nay".
Văn Đương rất phấn khích vì được dự Olympic - đấu trường hàng đầu thế giới, với sự góp mặt của những võ sĩ hay nhất.
Aliyev Tayfur - đối thủ của Văn Đương trong trận ra quân hôm nay - tập quyền Anh từ năm 10 tuổi. So với Văn Đương, võ sĩ Azerbaijan dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn. Hiệp hội quyền Anh Quốc tế (AIBA) đánh giá Aliyev là một trong những tài năng sáng giá nhất Azerbaijan hiện tại.
Lâm Thoả