Vòng loại nội dung này có 33 tay chèo thi đấu ở năm lượt đua, ba lượt đầu có 7 VĐV và hai lượt sau có sáu người. Nguyễn Thị Hương thi ở lượt bốn, sau 15h30 hôm nay, giờ Hà Nội. Hai người nhanh nhất mỗi lượt đua sẽ vào bán kết ngày 10/8, và những VĐV còn lại sẽ tiếp tục thi tứ kết tối nay.
Tứ kết chia làm ba nhóm thi, và cũng chỉ lấy hai người đứng đầu mỗi nhóm vào bán kết, còn những VĐV khác bị loại. Vì thế, không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ không còn đại diện nào ở Olympic Paris sau hôm nay.
Nguyễn Thị Hương 23 tuổi, người Vĩnh Phúc, từng giành năm trong tám HC vàng canoeing của Việt Nam tại SEA Games 31 trên sân nhà, trong đó có nội dung cô sẽ thi hôm nay. SEA Games 32 không có canoeing, nhưng Nguyễn Thị Hương vẫn tham dự môn đua thuyền truyền thống, cùng đội tuyển giành ba HC vàng.
Cô có năng khiếu thể thao, từng tham gia các môn đẩy gậy, vật tự do, trước khi bén duyên với đua thuyền. Hương giành suất dự Olympic qua vòng loại châu Á tháng 4/2024, với thông số 49,351 giây. Còn tại Olympic Tokyo năm 2021, thành tích tệ nhất của một tay chèo vào bán kết là 47,267 giây.
Vì thế, Hương không được coi là ứng viên tranh huy chương, nếu so với Trịnh Văn Vinh ở cử tạ hạng dưới 61kg nam hôm qua. Dù nhận được kỳ vọng, anh không thành công ở cả ba lượt cử giật, nên bị loại trước khi bước vào cử đẩy. Nội dung này ngoài Li Fabin vượt trội với HC vàng và tổng cử 310 kg, Theerapong Silachai (Thái Lan) giành HC bạc với 303 kg, còn Hampton Morris (Mỹ) nhận HC đồng với 298 kg.
Thái Lan cũng giành HC vàng đầu tiên hôm 7/8, khi Panipak Wongpattanakit bảo vệ thành công chức vô địch taekwondo hạng dưới 49kg nữ, với thắng lợi trước Guo Qing (Trung Quốc). Trong tám kỳ Thế vận hội gần nhất, có bảy kỳ Thái Lan giành HC vàng, và họ vẫn là đoàn Đông Nam Á thành công nhất ở đấu trường thế giới.
Sau 12 ngày thi Olympic Paris, đã có 80 đoàn giành ít nhất một huy chương. Mỹ vẫn dẫn đầu với 27 HC vàng, 35 bạc và 32 đồng. Còn Trung Quốc đứng thứ hai với 25 vàng, 23 bạc và 17 đồng.
Tại Đông Nam Á, Philippines có thành tích tốt nhất với hai HC vàng đều thuộc về VĐV thể dục dụng cụ nam Carlos Yulo, và hai HC đồng. Thái Lan, Malaysia và Indonesia lần lượt đứng sau. Việt Nam hay Singapore đều chưa giành huy chương nào.
Tuy nhiên, Singapore tiến gần huy chương đầu tiên, với VĐV lướt sóng Maximilian Maeder. VĐV 18 tuổi đã vào chung kết đua lướt sóng diều, và chung kết nội dung này có bốn người. Vì thế, Maeder đang có cơ hội lớn giành huy chương, thậm chí là vàng khi anh đang là đương kim vô địch thế giới.
Bảng tổng sắp trước bốn ngày thi cuối
TT | Quốc gia | Vàng | Bạc | Đồng | Tổng |
1 | Mỹ | 27 | 35 | 32 | 94 |
2 | Trung Quốc | 25 | 23 | 17 | 65 |
3 | Australia | 18 | 12 | 11 | 41 |
4 | Pháp | 13 | 17 | 21 | 51 |
5 | Anh | 12 | 17 | 20 | 49 |
6 | Hàn Quốc | 12 | 8 | 7 | 27 |
7 | Nhật Bản | 12 | 6 | 13 | 31 |
8 | Italy | 9 | 10 | 8 | 27 |
9 | Hà Lan | 9 | 5 | 6 | 20 |
10 | Đức | 8 | 5 | 5 | 18 |
- | - | - | - | - | - |
24 | Philippines | 2 | 0 | 2 | 4 |
- | - | - | - | - | - |
31 | Thái Lan | 1 | 2 | 2 | 2 |
- | - | - | - | - | - |
69 | Malaysia | 0 | 0 | 2 | 2 |
- | - | - | - | - | - |
72 | Indonesia | 0 | 0 | 1 | 1 |
- | - | - | - | - | - |
- | Việt Nam | - | - | - | - |
Xuân Bình