Việt Nam nhất toàn đoàn SEA Games 31 với 205 HC vàng, 125 bạc và 116 đồng, qua 14 ngày tranh huy chương. Chủ nhà là quốc gia đầu tiên vượt mốc 200 HC vàng ở một kỳ Đại hội, đồng thời phá kỷ lục 194 HC vàng của Indonesia ở SEA Games 1997 tại Jakarta. Trong top 5 kỷ lục huy chương Đại hội hiện tại, Indonesia chiếm đến ba, đều là ba lần gần nhất họ đăng cai.
Dù phá kỷ lục huy chương, Việt Nam vẫn xếp sau nếu tính tỷ lệ HC vàng trên số nội dung. Chủ nhà đoạt 205 HC vàng trên 525 nội dung tại SEA Games 31, tương ứng 39%. Kỷ lục về tỷ lệ này thuộc về Thái Lan tại SEA Games 4 ở Bangkok năm 1967, khi chủ nhà giành 77 HC vàng trên 145 bộ huy chương. Nhưng khi đó, Đại hội mới có bốn quốc gia tham dự, thiếu Indonesia hay Philippines.
Nếu chỉ tính từ khi Việt Nam trở lại SEA Games năm 1989, Thái Lan giữ kỷ lục đoạt 46% số HC vàng ở một kỳ Đại hội, với 157 HC vàng trên 338 nội dung năm 1995 tại Chiang Mai.
Tại SEA Games 31, Việt Nam không đoạt HC vàng nào trong hai ngày đầu, nhưng võ vật kurash đem về bốn chiến thắng cho chủ nhà ở ngày thứ ba. Trong đó võ sĩ Tô Thị Trang giành HC vàng đầu tiên cho Việt Nam ở Đại hội, chỉ vài tiếng trước khi bố cô qua đời.
Việt Nam bắt đầu lên đỉnh bảng tổng sắp sau ngày 11/5, ngay trước lễ khai mạc. 15/5 và 19/5 là hai ngày "vàng" của Việt Nam, khi các VĐV đoạt tới 27 HC vàng. Ở ngày cuối 22/5, chủ nhà cũng bứt phá với 24 HC vàng để phá kỷ lục Đại hội. Nếu chỉ tính kết quả bốn ngày thi tốt nhất, Việt Nam cũng đủ sức đứng đầu bảng tổng sắp năm nay với 97 HC vàng, nhiều hơn Thái Lan năm chiếc.
Trong 40 môn thi, có 34 môn đem về HC vàng cho Việt Nam, trong đó có 21 môn chủ nhà dẫn đầu. Năm môn đem về cho Việt Nam từ 10 HC vàng trở lên là điền kinh (22), vật (17), bơi (11), lặn (10) và wushu (10). Môn vật có 18 nội dung, Việt Nam giành 17 HC vàng, chiếm 94,4%. Thành tích của vật xét theo tỷ lệ, chỉ sau bóng đá và bóng ném, khi Việt Nam đều đoạt 100% số HC vàng.
Việt Nam còn vượt trội về chất lượng huy chương, tính theo các môn nhóm Olympic hay các nội dung có trong chương trình Thế vận hội hè 2024. Dù vậy, việc đứng đầu Đông Nam Á ở các nội dung này chưa thể đảm bảo Việt Nam sẽ có huy chương Olympic.
Trong các môn thuộc nhóm Olympic, Việt Nam dẫn đầu ở 11 môn gồm, điền kinh, vật, judo, taekwondo, canoeing, rowing, karate, thể dục dụng cụ, đua xe đạp, bóng ném và bóng đá. Thể thao "nữ hoàng" ở các kỳ đại hội là điền kinh đem về tới 22 HC vàng, 14 bạc và 8 đồng cho chủ nhà. Đây là kỳ thứ hai liên tiếp điền kinh Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn.
Nếu chỉ tính các nội dung sẽ có trong chương trình Olympic Paris 2024, Việt Nam cũng không có đối thủ tại SEA Games 31. Các nội dung này đem về cho chủ nhà 119 HC vàng, chiếm 58% số huy chương tại Đại hội. Thành tích này cao hơn gần gấp đôi so với đoàn về nhì Thái Lan. Nói cách khác, nếu chỉ dự các nội dung có trong chương trình Olympic 2024 tại SEA Games 31, chủ nhà vẫn đứng đầu bảng tổng sắp.
Đằng sau những thành công của Việt Nam, bắn cung để lại thất vọng khi không giành HC vàng nào trong 10 nội dung. Ngoài ra, còn bảy môn hoặc nội dung chính Việt Nam cũng không đoạt HC vàng nào là cầu lông, nhảy cầu, bóng rổ, bowling, cầu mây và bóng chuyền và futsal. Chỉ có một môn Việt Nam không đoạt huy chương nào, là bowling.
Với thành công vừa qua, Việt Nam có cơ sở để hướng tới việc bảo vệ vị trí nhất toàn đoàn, khi SEA Games 32 diễn ra ở Campuchia tháng 5/2023.
Xuân Bình