Có những cặp đấu được xem là "kỵ giơ", như Việt Nam – Indonesia hay Malaysia – Thái Lan. Ở đó, dù tương quan lực lượng chênh lệch thế nào, kết quả vẫn khó đoán định nên không ai thực sự chiếm ưu thế đối đầu. Nhưng Việt Nam - Thái Lan lại khác. Ngay cả khi đang ngự trên đỉnh cao AFF Cup và SEA Games, và đối thủ rơi xuống đáy của thành tích, việc đánh bại họ dường như chưa bao giờ đơn giản với Việt Nam.
Vấn đề không nằm ở chuyên môn, mà trận chung kết SEA Games 2003 là một ví dụ. Đoàn quân của cố HLV Alfred Riedl trước đó đã chinh chiến ở vòng loại Asian Cup, tạo địa chấn khi đánh bại đệ tứ anh hào World Cup 2002 là Hàn Quốc. Họ cũng chơi sòng phẳng với Thái Lan ở vòng bảng, và thậm chí đến trận chung kết, vẫn có thể gỡ hòa vào những phút cuối, nhưng rồi gục ngã chỉ vài phút sau đó vì một sai lầm cá nhân. Nghĩa là, khi chuẩn bị tất cả, có đủ mọi ưu thế, vẫn còn một điều gì đó kéo tụt mọi xúc cảm chiến thắng của Việt Nam. Tổng cộng, trong chín lần gặp đối thủ này ở AFF Cup, đội tuyển chỉ thắng hai lần với mỗi lần cách nhau 10 năm (1998 và 2008).
Ban đầu, nguyên nhân được cho là yếu tố tâm lý. Chưa cần vào sân, chưa biết thế trận ra sao, "ngọn núi Thái Lan" đã sừng sững trong đầu các cầu thủ và CĐV. Ám ảnh đó kéo dài triền miên từ 1995, và chỉ vơi đi một chút ở lứa U, khi bóng đá Thái Lan bớt đi sự quan tâm vào các giải trẻ, tính cả SEA Games. Không cầu thủ Việt Nam nào thừa nhận có tâm lý "sợ" Thái Lan, nhưng khi vào sân, chỉ sau vài trục trặc khi triển khai bóng, sự rối loạn ào đến và họ tự đánh mất thế trận. Đã có thời kỳ, Việt Nam chủ yếu đá bằng tinh thần, hơn là đối chọi sòng phẳng về đấu pháp, chiến thuật.
Khi HLV Park Hang-seo đến, nguyên nhân của nỗi ám ảnh ấy được tìm thấy. Chiến công đầu tiên của nhà cầm quân người Hàn Quốc chính là trận thắng Thái Lan ở giải M-150 vốn để "làm nóng" trước vòng chung kết U23 châu Á 2018. Từ đó, đoàn quân của HLV Park không gặp vấn đề gì với Thái Lan nữa. Thay đổi lớn nhất không phải nằm ở tâm lý "không biết sợ", mà ở bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ. Từ M-150 đến chiến thắng 1-0 tại King’s Cup là thời gian mà đội tuyển đã tung hoành tại AFF Cup rồi Asian Cup. Thế hệ cầu thủ dưới tay HLV Park tích lũy nguồn năng lượng có thể giúp họ điều chỉnh nhịp điệu chơi bóng, chuyển đổi thế trận cho phù hợp với từng đối thủ. Kể cả khi không thành công về tỷ số, Việt Nam cũng không đánh mất thế trận hoàn toàn cho Thái Lan nữa.
Thế nên, trước các trận đấu sắp tới ở bán kết AFF Cup 2020, vấn đề không phải là sự dông dài về quá khứ, mà là những thách đố trước mắt. Không cần đến một chuyên gia lão luyện như HLV Park, ai cũng biết muốn vô địch phải đánh bại Thái Lan - đội tuyển đã vào bán kết 10 trong 12 lần giải được tổ chức. Gặp nhau ở đâu chẳng còn gì khác biệt nữa, do hoàn cảnh thi đấu gần như tương đồng. Năm nay, do Covid-19, hai lượt trận bán kết rồi hai lượt trận chung kết thậm chí đều diễn ra... trên cùng một sân ở Singapore. Hơn 50% đội hình hiện nay của Việt Nam cũng đã gặp Thái Lan nhiều lần suốt bốn năm qua.
Hai trận hòa 0-0 ở giai đoạn hai vòng loại World Cup trong năm 2019 cho thấy sự chênh lệch giữa hai đội tuyển như một sợi chỉ nhỏ, tùy thuộc vào cách tiếp cận và trạng thái thi đấu của từng vị trí trên sân. Và cuộc tái ngộ lần này chính là sự sắp đặt để hai con sóng đại diện cho tham vọng vươn tầm của Đông Nam Á xô vào nhau theo cách dữ dội chưa từng thấy.
Song Việt