"VAR đã rất chuẩn khi vào cuộc để kiểm tra bàn thắng. Đó là một lỗi việt vị bởi sau cú sút của Junya Ito, bóng đã trúng Tanaka đang đứng dưới hàng phòng ngự Việt Nam nên không thể công nhận bàn thắng", ông Dương Văn Hiền phân tích cùng VnExpress. "Chúng ta xem trên truyền hình có thể nhìn không kỹ nhưng VAR có nhiều góc quay và tổ trọng tài có nhiều cơ sở hơn để xác định".
Phút 44, Ito nhận bóng từ giữa sân rồi dùng tốc độ xâm nhập vòng cấm. Anh ngoặt bóng loại bỏ Văn Thanh rồi sút vào góc cao tung lưới Bùi Tấn Trường. Trọng tài Hassan Mohammed công nhận bàn thắng, và các cầu thủ Nhật Bản đã ăn mừng bàn nâng tỷ số lên 2-0. Tuy nhiên, VAR vào cuộc. Sau một lúc lâu thảo luận, trọng tài chính người UAE chạy ra màn hình ở ngoài đường biên để xem xét rồi quyết định huỷ bàn thắng của Nhật Bản.
"Thực sự mà nói, đó là một pha bóng đẹp và xử lý đẳng cấp của cầu thủ Nhật. Việt Nam may mắn khi VAR can thiệp, chứ nếu không cũng khó nhận ra lỗi việt vị này", ông Hiền nói thêm.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam được hưởng lợi từ VAR sau năm lượt trận ở vòng loại thứ ba World Cup. Trước đó, VAR thường có những quyết định bất lợi cho Việt Nam, trong các tình huống tranh cãi. Ở trận ra quân gặp Saudi Arabia ngày 3/9, VAR can thiệp khi trung vệ Đỗ Duy Mạnh vô tình ngã xuống để bóng chạm tay. Anh bị thẻ đỏ, còn Việt Nam bị phạt đền rồi thua ngược 1-3.
Ở trận đấu trên sân Mỹ Đình ngày 7/9, Hồng Duy sút bóng trúng tay cầu thủ Australia nhưng sau khi kiểm tra VAR, trọng tài vẫn không cho Việt Nam hưởng phạt đền.
Sau những quyết định bất lợi từ VAR, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã gửi kiến nghị lên FIFA. Tuy nhiên, tình hình không được cải thiện. Ở trận gặp Oman ngày 12/10, VAR hai lần can thiệp để phạt đền Việt Nam sau những tình huống phạm lỗi của Tấn Tài và Duy Mạnh. Cũng trọng trận này, VAR vào cuộc mất gần bảy phút để tìm lỗi trong bàn thắng Tiến Linh.
Đức Đồng