Gần hai tháng trôi qua kể từ khi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, rồi nhanh chóng lan sang hầu hết các quốc gia Đông Á, Triều Tiên vẫn chưa xác nhận có ca nhiễm bệnh nào.
Triều Tiên đã tránh được dịch bệnh trong khi ở quốc gia láng giềng Trung Quốc, nCoV đã khiến hơn 600 người chết và hơn 31.000 người nhiễm bệnh. Hơn 300 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả hai nước có chung biên giới trên bộ với Triều Tiên là Nga và Hàn Quốc.
Thực tế, tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trong bán kính 2.400 km quanh Triều Tiên, ngoại trừ Mông Cổ, đều đã ghi nhận ca nhiễm.
Bình Nhưỡng không công khai thừa nhận bất kỳ trường hợp nhiễm virus nào nhưng theo Nam Sung-wook, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, nhiều khả năng vẫn có người mắc bệnh chưa được phát hiện bên trong Triều Tiên.
"Chúng ta biết rằng nhiều khu vực của Trung Quốc gần với biên giới Triều Tiên, như Đan Đông hay Thẩm Dương, đều đã có bệnh nhân. Khoảng 90% giao dịch thương mại của Triều Tiên là với Trung Quốc và chúng ta cũng biết rất nhiều người, xe tải và tàu đã đi lại qua biên giới giữa hai nước trước khi Triều Tiên áp đặt các quy định nhằm ngăn chặn virus xâm nhập, Nam cho hay.
Dựa vào các bản tin do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải, nước này dường như đang rất nghiêm túc trong các nỗ lực chống dịch bệnh.
Triều Tiên đã đóng cửa biên giới với tất cả khách du lịch nước ngoài, hầu hết là khách Trung Quốc, như một biện pháp phòng ngừa. Thời điểm bùng phát dịch Ebola hồi năm 2014, Bình Nhưỡng cũng có động thái tương tự.
Ngày 30/1, KCNA cho biết nhà chức trách đã ban bố "tình trạng khẩn cấp quốc gia" và thành lập các trung tâm chống dịch trên khắp cả nước. KCNA hồi đầu tuần thông báo tất cả những người nhập cảnh vào Triều Tiên từ sau 13/1 đều đang được "giám sát y tế" chặt chẽ.
Mặt khác, theo KCNA, giới chức y tế Triều Tiên đã thiết lập một "hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm toàn quốc" và có khả năng chẩn đoán kịp thời các trường hợp nghi ngờ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về khả năng xét nghiệm phát hiện bệnh của Triều Tiên. Bên cạnh đó, vì việc tiếp cận và xác minh thông tin từ Triều Tiên rất khó khăn nên không rõ các biện pháp mà họ thực hiện thực sự phát huy tác dụng đến đâu.
Triều Tiên được xem là một trong những quốc gia bí mật và kín đáo nhất thế giới. Mọi thông tin về Triều Tiên, từ lãnh đạo Kim Jong-un cho tới cuộc sống thường ngày ở Bình Nhưỡng, đều rất giới hạn. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều công bố thông tin về việc bổ nhiệm các quan chức quan trọng, như ngoại trưởng, Triều Tiên lại không làm vậy. Các chuyên gia thường phải thông qua truyền thông nhà nước hoặc những nguồn bên ngoài để tìm manh mối.
"Triều Tiên có nguồn cung cấp thuốc cơ bản hạn chế... và họ không có đủ trang bị để đối phó với bất kỳ loại dịch bệnh nào", Jean Lee, giám đốc Trung tâm Lịch sử Triều Tiên tại Trung tâm Woodrow Wilson, trụ sở ở Washington, nhận xét.
Các bác sĩ đào tẩu khỏi Triều Tiên những năm gần đây luôn phàn nàn về điều kiện làm việc tồi tàn và tình trạng thiếu thốn gần như mọi thứ, từ thuốc men tới những vật tư y tế bình thường khác.
Choi Jung-hun, cựu bác sĩ Triều Tiên đào tẩu hồi năm 2011, cho biết khi ông tham gia chống dịch sởi bùng phát từ năm 2006 đến 2007, Triều Tiên không có nguồn lực để thực hiện cách ly toàn thời gian.
Theo hướng dẫn cho các bác sĩ của Triều Tiên, sau khi phát hiện ca nhiễm sởi, bệnh nhân phải được chuyển tới bệnh viện hay cơ sở cách ly để theo dõi. Tuy nhiên, Choi cho biết hướng dẫn này thường không được tuân thủ.
"Khi không có đủ thực phẩm cung cấp cho những người ở bệnh viện và cơ sở cách ly, họ sẽ bỏ trốn để đi tìm đồ ăn", ông nói.
Dù vậy, cũng có thể lý do khiến dịch bệnh không lây lan ở Triều Tiên bắt nguồn từ sự hạn chế đi lại của người dân, giới quan sát đánh giá. Đại bộ phận người dân Triều Tiên không được tự do di chuyển, thậm chí, nếu muốn sang tỉnh khác, họ phải được sự cho phép từ chính quyền. Rất ít người được phép ra nước ngoài.
Với những người có quyền di chuyển thoải mái hơn, giao thông lại là một thách thức khác. Triều Tiên chưa hoàn toàn được kết nối bằng đường bộ và hầu hết người dân đều dựa vào hệ thống đường sắt nếu muốn đi xa. Những chuyến đi ngắn vài trăm km có thể mất hàng giờ, thậm chí hàng ngày.
"Triều Tiên có hệ thống kiểm soát tốt nhất thế giới", Choi nói. "Triều Tiên rất giỏi trong việc hạn chế các giao tiếp xã hội và đi lại bởi họ đã thực hành nó suốt 70 năm. Khác biệt bây giờ chỉ là họ thắt chặt hơn các quy định. Hệ thống này có thể giúp họ trong việc ngăn virus lây lan".
Vũ Hoàng (Theo CNN)