Chiều 12/1, trước giờ tòa tuyên án, đại diện VKSND Hà Nội bất ngờ đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho ông Danh và cựu phó phòng Tài chính Kế toán Trần Thanh Phong. Bởi quá trình nghiên cứu hồ sơ, VKS nhận thấy ông Danh có nhân thân tốt, là công dân ưu tú, không hưởng lợi và bị cáo Phong có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
VKS cũng đề nghị tòa cho bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương, được hưởng 30-36 tháng tù treo thay vì án tù giam.
Đây là đề nghị đặc biệt, có lợi cho các bị cáo rất nhiều so với phần luận tội hôm 8/1. Lúc đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên ông Danh bằng thời gian tạm giam 11 tháng 4 ngày, ông Phong 24-30 tháng tù treo và bà Xuyên 2-3 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, trong 4 bị cáo của CDC Bình Dương liên quan vụ án Việt Á, duy nhất ông Tiêu Quốc Cường (cựu kế toán trưởng, cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính, CDC tỉnh Bình Dương) bị VKS giữ nguyên mức phạt đề nghị 4-5 năm tù.
Sau khi hội ý, HĐXX tuyên án, chấp nhận đề nghị của VKS, áp dụng chính sách "khoan hồng đặc biệt" đối với cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh.
Tòa ghi nhận ông Danh dù có thể nghỉ chế độ, song trước tình hình dịch bệnh bùng nổ ở mức căng thẳng tại địa phương, khi được yêu cầu vẫn không quản ngại tiếp tục cống hiến và công tác, chống dịch tại địa phương. Ông nhận thức rõ hành động của mình khi đó có thể dẫn tới việc bị xử lý, song vẫn "dám nghĩ dám làm", nhận trách nhiệm.
Tòa đánh giá ông Danh "không tư lợi", nhiều lần kiên quyết từ chối lợi ích từ Việt Á, hơn nữa còn nhiều lần cảnh tỉnh cấp dưới tránh sai phạm.
Theo cáo buộc, khi dịch bệnh bùng phát, CDC Bình Dương đang dùng kit xét nghiệm của hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT. Ông Danh sau đó chỉ đạo cấp dưới liên hệ với Việt Á và VNDAT ứng trước kit xét nghiệm và tách chiết để sử dụng, rồi hợp thức thủ tục đấu thầu thanh toán sau. Việc này bị cho rằng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 55 tỷ đồng.
Sau khi được thanh toán, Việt Á "cảm ơn" 1,2 tỷ đồng với bị cáo Tiêu Quốc Cường và hơn một tỷ đồng với Lê Thị Hồng Xuyên. Việt chỉ đạo nhân viên chi tiền cho ông Danh và Giám đốc Sở Y tế Bình Dương nhưng họ đều từ chối, không nhận tiền.
Trả lời VKS vào chiều 5/1, ông Danh khai sau khi trúng thầu, bị cáo Trung Nguyên, nhân viên công ty Việt Á, nhiều lần liên hệ đặt vấn đề "cảm ơn" song ông cương quyết từ chối. Ông khai khi đó sắp về hưu, không muốn liên quan. Bị cáo Nguyên nhiều lần mời đi cà phê, đi uống bia, nhưng ông lấy lý do "không muốn tiếp xúc gần", để gián tiếp từ chối hưởng lợi ích từ Việt Á.
Tại phần bào chữa chiều 9/1, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng VKS đánh giá vụ án này là "một điển hình về lợi ích nhóm" nhưng 4 bị cáo ở CDC Bình Dương không như vậy. Bốn người ở tuyến đầu chống dịch và không vụ lợi. Ông Danh, Phong không nhận tiền của Việt Á nên chỉ bị cáo buộc có sai phạm trong lập hồ sơ đấu thầu, sau khi mượn sinh phẩm của Việt Á.
Luật sư Công nói thân chủ Danh "sai khi không ngăn cản được chủ trương, chỉ đạo sai của cấp trên" chứ không tự ý, chủ động thực hiện hành vi. Đặc biệt, ông không hưởng lợi. Điều này cáo trạng cũng đã ghi nhận. Đầu 2021, Bình Dương gặp muôn vàn khó khăn, áp lực khi quy mô lây nhiễm bệnh lan rộng và là địa phương có cao nhiễm lớn thứ hai cả nước. Theo luật sư, việc CDC Bình Dương sử dụng kit Việt Á do rơi vào "tình thế ép buộc", với ba nguyên nhân chính.
Một là, dịch bệnh diễn ra nhanh, bất ngờ khiến CDC Bình Dương không thể xây dựng kế hoạch chuẩn bị kit test để chạy máy Real Time-PCR. Lúc đó, địa phương chỉ có duy nhất một máy do doanh nghiệp tư nhân tài trợ nên không đáp ứng được yêu cầu dập dịch.
Hai là, đầu tháng 8/2021, Bình Dương được Trung ương tài trợ hai máy Real Time-PCR nhưng hạn chế là chỉ dùng được với kit Việt Á. Nếu không dùng hai máy này của Việt Á sẽ lãng phí, trong khi Bình Dương đang đứng trước áp lực mỗi ngày phải xét nghiệm 7.000-10.000 mẫu. Hơn nữa, kit test Việt Á không những đảm bảo chất lượng mà còn pha chế sẵn để sử dụng ngay mà không cần chờ phối trộn, giảm thời gian lấy mẫu cho nhân viên.
Luật sư cho rằng khi dịch bệnh căng thẳng, Chính phủ có chỉ đạo ưu tiên mua hàng sản xuất trong nước để khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp. Trùng hợp thay khi Việt Á và VNDAT là đơn vị duy nhất và độc quyền trong nước sản xuất, phân phối sản phẩm này và đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. "Máy đã dùng nên ông Danh và các nhân viên phải tìm nguồn kinh phí và tổ chức đấu thầu để trả tiền máy cho Việt Á. Họ làm tất cả vì địa phương, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ nào khác", phần bào chữa nêu.
"Ông Danh có nhân cách đáng kính trọng, khó khăn không chùn bước, tiền bạc không thể làm bị cáo lung lay. Nhưng nghiệt ngã thay, ông lại nhận quyết định khởi tố trong chính ngày nhận quyết định nghỉ hưu", luật sư nói về đề nghị cho ông Danh được miễn trách nhiệm hình sự.
Quan điểm của tòa và VKS hôm nay trùng với ý kiến của Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên vào ngày 16/8/2023. Ông Yên nói rằng các trường hợp vi phạm trong dịch bệnh nhưng không vụ lợi thì Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất chủ trương "miễn trách nhiệm hình sự.
Hay trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị "nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi thì cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt".
Bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội đánh giá sai phạm của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của các cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Hành vi của một số bị cáo là suy thoái tư tưởng, băng hoại đạo đức.
Tuy nhiên, khi lượng hình, tòa đã cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ và có chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo "phạm tội khi tham gia chống dịch nhưng không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít". Các bị cáo đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra.
Ở nhóm cựu quan chức, cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh, cựu bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng, cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc và các cán bộ Sở Y tế, CDC các tỉnh... được tòa đánh giá "có công lao rất lớn", "đặc biệt tích cực", xung phong trên các chiến tuyến phòng và dập dịch Covid-19.
Thanh Lam - Phạm Dự