"Làm sao chúng ta có thể tàn sát lẫn nhau?" Zaytseva, người phụ nữ 72 tuổi đã nghỉ hưu sống ở Donetsk, một trong hai tỉnh ly khai ở miền đông Ukraine, nói hôm 18/1.
"Chúng tôi e là chiến tranh sẽ lại bắt đầu. Mọi thứ mới chỉ tạm lắng", Zaytseva bày tỏ, cặp kính dày mờ đi trong khí lạnh mùa đông.
Miền đông Ukraine chìm trong giao tranh từ năm 2014, khi lực lượng ly khai nổi dậy ở các khu vực xung quanh thành phố Donetsk và Lugansk, chiến đấu chống lại quân đội chính phủ suốt 8 năm qua. Giao tranh lên đến đỉnh điểm trong giai đoạn 2014-2015, trước khi lắng dịu, nhưng đã khiến hơn 13.000 người ở cả hai bên thiệt mạng.
Thế giới gần đây chứng kiến hàng loạt động thái ngoại giao liên quan tới căng thẳng giữa Ukraine và Nga, sau khi Moskva bị cáo buộc triển khai khoảng 100.000 quân ở biên giới nước láng giềng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang chuẩn bị cho các vòng đàm phán mới với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Geneva vào 21/1.
Nga bác bỏ cáo buộc đang chuẩn bị xâm lược Ukraine, nhưng lo ngại về một cuộc chiến mới đang hiện hữu. Donetsk, nơi phóng viên AFP được phép tới thăm tuần này, đã phơi bày nhiều vết sẹo cả về thể xác lẫn tinh thần mà cuộc xung đột để lại ở miền đông Ukraine.
Tại khu dân cư của Zaytseva ở ngoại ô Donetsk, nhiều ngôi nhà hoang tàn, lỗ chỗ vết đạn. Chiến tuyến giữa quân đội Ukraine và phe ly khai, nơi các cuộc giao tranh và pháo kích lẻ tẻ vẫn tiếp diễn, chỉ cách đó chưa đầy hai km.
Gần như ngày nào dân địa phương cũng nghe thấy âm thanh của pháo và súng máy, thường vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, khiến một số người gọi đó là "chuông báo thức" hay "pháo hoa".
Nhiều người đã bỏ nhà ra đi, nhưng Zaytseva khẳng định sẽ không bao giờ rời bỏ quê hương. Giống nhiều người khác, bà muốn phần lãnh thổ ở miền đông này thuộc về Nga và cáo buộc quân đội Ukraine giết hại dân thường trong các vụ đánh bom bừa bãi.
"Làm sao có thể tha thứ được?" bà nói, nhớ lại một người bạn thiệt mạng trong trận pháo kích của quân đội chính phủ Ukraine.
Trong thời kỳ cao điểm của cuộc giao tranh, Zaytseva thường trốn trong hầm, khi quân ly khai bảo vệ các vị trí bên ngoài. "Tình cảnh như địa ngục", bà nói. "Làm sao họ có thể khơi mào chiến tranh như thế?"
Gần khu chợ nhỏ của làng, vài tấm bia tưởng niệm được dựng lên để ghi nhớ những người thiệt mạng trong giao tranh. Gấu bông phủ đầy tuyết nằm cạnh những tấm bia đề tên nạn nhân nhỏ tuổi.
Khí đốt và điện được cấp lại cho khu vực này năm 2017. Hội Chữ thập Đỏ đã giúp người dân xây dựng lại nhà cửa, phân phối thực phẩm. Nhiều người nhận được lương hưu thường xuyên từ chính quyền ly khai, bên được Moskva hỗ trợ tài chính.
"Tạ ơn Chúa, phía Nga trả cho chúng tôi lương hưu", Alexandra Lozovskaya, 69 tuổi, có chồng thiệt mạng năm 2015 khi ra ngoài mua bánh mỳ, nói.
Sergei, một người sống trong làng, cho hay cuộc sống đang cải thiện và cáo buộc chính quyền Ukraine "trộm cắp, tham nhũng". "Cuối cùng, chúng tôi sẽ đoàn tụ với Nga, chúng tôi phải về nhà", người đàn ông 47 tuổi nói.
Vài năm qua, Moskva đã cấp hàng trăm nghìn hộ chiếu Nga cho người dân sống ở hai khu vực. Cư dân các vùng do phe ly khai kiểm soát vẫn được nhận lương hưu từ chính phủ Ukraine, nhưng để lĩnh lương, họ phải đi vào vùng do quân đội chính phủ kiểm soát, vốn là điều thử thách với nhiều người hưu trí.
Các lệnh hạn chế ngăn Covid-19 càng khiến đi lại khó khăn hơn.
"Nơi đây giống như một ốc đảo", Elena, 49 tuổi, người có con trai sống ngoài vùng chiến sự, nói. "Chẳng ai muốn tiếp nhận chúng tôi. Tình hình hoàn toàn bế tắc".
Hồng Hạnh (Theo AFP)