Tập luyện để thi đấu các giải đỉnh cao như Olympic là công việc toàn thời gian, với những VĐV không thuộc diện thi đấu nhà nghề. Họ phải di chuyển nhiều nơi để tập luyện, dự các giải nhỏ hơn để "làm nóng", nhằm trau dồi kỹ năng trước Thế vận hội. Nhưng theo Al Jazeera, nhiều VĐV Mỹ thuộc diện này gặp khó khi phải tự trả tiền túi cho những nỗ lực này.
Chỉ một số ít được chọn có được mối quan hệ hợp tác sinh lợi với các nhãn hàng. Ví dụ, hãng bảo hiểm Allianz chỉ tài trợ cho 5 VĐV Olympic và Paralympic - Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Những VĐV diện này không được trả lương khi tập luyện cho Olympic, và nếu đủ điều kiện dự Thế vận hội, họ cũng chỉ thu về số tiền có hạn. Số tiền này thường chỉ bằng chi phí họ đầu tư vào tập luyện trước Olympic, khiến các VĐV không thể thu lời, trừ khi đạt thành tích cao hoặc phá kỷ lục để nhận thêm thưởng.
Hơn 90% VĐV cho biết họ đã chi tới 21.700 USD phí thi đấu và phí thành viên để chuẩn bị cho Thế vận hội. Hơn một phần tư số VĐV nghiệp dư Mỹ báo cáo có tổng thu nhập năm dưới 15.000 USD.
Về vấn đề sức khỏe, các VĐV cho biết đã chi tới 9.200 USD cho các chi phí tự chi trả khi bị chấn thương và chỉ có 16% được hoàn trả, theo báo cáo của Ủy ban Tình hình Olympic & Paralympic - ủy ban độc lập do Quốc hội Mỹ thành lập năm 2020.
Nữ võ sĩ quyền Anh người Mỹ, Jennifer Lozano ở Laredo, Texas, thậm chí phải dùng tiền của gia đình để có cơ hội thi đấu. Lozano phải áp dụng chế độ tập luyện khắc nghiệt về thể chất và thời gian, bắt đầu mỗi ngày từ 6h sáng, với tham vọng giành HC vàng. Cô nhận được một khoản trợ cấp từ Liên đoàn quyền Anh Mỹ (USA Boxing) .
Võ sĩ 21 tuổi nói với Al Jazeera rằng cô nhận được một khoản trợ cấp nhỏ từ Liên đoàn quyền Anh Mỹ trong tám tháng qua, trước khi chính thức đủ điều kiện tham gia đội tuyển quốc gia tại một cuộc thi quốc tế ở Santiago, Chile, vào tháng 10/2023. Trước đó, mọi chi phí đều do Lozano và gia đình tự bỏ ra. Cô từ chối chia sẻ chi tiết khoản trợ cấp này, mà chỉ nói rằng nó đủ để trang trải phần nhỏ chi phí hàng ngày, chủ yếu là tiền đi ô tô để tập luyện và thi đấu.
Lozano tiết lộ thêm rằng cô đang sử dụng số tiền từ chiến dịch GoFundMe để trang trải các chi phí lớn hơn và đưa HLV đến tham gia các trận đấu.
Hạn chế về tài chính chỉ ảnh hưởng đến các VĐV nghiệp dư chứ không phải các VĐV đỉnh cao khác ở các giải thể thao nhà nghề.
Trong các môn thể thao như bóng bầu dục tại Mỹ, ngay cả những cầu thủ không thi đấu chính thức cũng được trả lương cao. Mức lương tối thiểu cho một cầu thủ trong đội dự giải bóng bầu dục chuyên nghiệp Mỹ (NFL) là 16.800 USD mỗi tuần, theo thỏa thuận thương lượng tập thể gần đây nhất của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia. Với giải bóng chày MLB, những cầu thủ thi đấu trong các giải chuyên nghiệp được trả tối thiểu 60.300 USD cho mùa 2024.
Nhiều VĐV nghiệp dư Mỹ không kiếm được tiền từ thời gian thi đấu tại Thế vận hội, nhưng có thể nhận thưởng nếu huy chương. VĐV giành HC vàng sẽ nhận được 37.500 USD, HC bạc sẽ nhận 22.500 USD và HC đồng sẽ nhận 15.000 USD.
Khoản tiền thưởng cho HC đồng thậm chí còn thấp hơn mức thu nhập bị xếp vào diện nghèo với một người tại Mỹ. Để đủ tiền thuê nhà ở Mỹ, bạn sẽ cần kiếm được nhiều hơn gấp đôi số tiền mà VĐV giành HC kiếm được ở mức tối thiểu.
Mỹ có mức chi trả tiền thưởng Olympic thấp so với nhiều quốc gia khác. Tại Olympic Tokyo 2020, Italy treo giải 213.000 USD cho những VĐV giành HC vàng. Singapore đưa ra mức thưởng tương đương 737.000 USD nhà vô địch Tokyo, và thậm chí tăng lên mức 1 triệu USD tại Paris 2024.
"Thu nhập cả đời của bạn với tư cách là VĐV nghiệp dư dự Olympic đang ở mức âm cực kỳ cao. Chắc chắn là vậy", Victor Matheson, giáo sư kinh tế tại College of the Holy Cross ở Massachusetts và là tác giả của cuốn Going for the Gold: The Economics of the Olympic, cho biết.
Sau Thế vận hội Rio 2016, Tổng thống Mỹ lúc đó Barack Obama ký một dự luật cấm đánh thuế phần thưởng trên các huy chương, được gọi là thuế chiến thắng.
Điền kinh là môn thể thao duy nhất mà liên đoàn bộ môn thế giới thưởng thêm tiền cho nhà vô địch ngoài mức thưởng của mỗi quốc gia. Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, VĐV đoạt HC vàng ở môn điền kinh, với 48 nội dung thi đấu, tại Thế vận hội Paris 2024 sẽ nhận tiền thưởng từ Liên đoàn điền kinh Thế giới (World Athletics). Trung bình, các VĐV điền kinh giành HC vàng tại thủ đô nước Pháp sẽ nhận 50.000 USD.
Nhưng khoản thưởng này không giải quyết được các rào cản tài chính cho các VĐV nghiệp dư trước khi họ đến được Thế vận hội. Một phần, đó là lý do khiến nhiều VĐV như Uhl-Leavitt đã chuyển sang các nền tảng huy động vốn từ cộng đồng từ đầu 2024 để chuẩn bị cho Olympic.
Có một số trợ giúp nhỏ dành cho một số VĐV trong một số môn thể thao. Các liên đoàn như Bơi, Taekwondo hay Chèo thuyền Mỹ đưa ra những khoản trợ cấp nhỏ cho các VĐV tập luyện cho Thế vận hội, nhưng thường chỉ chi trả sau khi họ đủ điều kiện tham gia đội tuyển quốc gia. Ngay cả với một số ít VĐV có khả năng thu hút tài trợ, lựa chọn cũng có phần hạn chế.
Do gánh nặng chi phí và khả năng đạt thành công lâu dài về mặt tài chính thấp, phụ huynh Mỹ có thiên hướng ngại khi con em muốn thi đấu các môn Olympic. Năm 2012, Natalie Hawkins, mẹ của VĐV thể dục dụng cụ nổi tiếng Gabby Douglas, đã nộp đơn xin phá sản vì không kham nổi chi phí tập luyện cao.
Ngược lại, Olympic lại là nguồn kiếm tiền khổng lồ cho nhiều bên khác nhau. Trong mỗi kỳ Thế vận hội, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) có khoản thu nhập lớn từ việc bán vé, bán quảng cáo và các hoạt động quay vòng tiền khác. Một phần trong số đó sẽ được phân phối lại cho các thành phố đăng cai và các tổ chức đối tác, gồm cả Liên đoàn mỗi quốc gia.
Về lý thuyết, đó là khi các tổ chức như Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ phân chia doanh thu và phân phối theo cấp độ cho các VĐV. "Gần như phần lớn trong số đó vào túi những người đứng đầu và những thứ tương tự chiếm hết", Matheson nói.
Sarah Hirshland, Giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ, kiếm được hơn 1,1 triệu USD vào năm 2022 – năm diễn ra Thế vận hội Olympic mùa đông gần đây nhất. Trong khi đó, Ủy ban Olympic Mỹ có doanh thu ròng là 61,6 triệu USD - cao thứ hai trong lịch sử, theo cáo bạch tài chính năm 2022 của tổ chức này. Nó chỉ đứng thứ hai sau Thế vận hội Tokyo 2020 (diễn ra muộn một năm vì Covid-19), mang lại thu nhập ròng 104,6 triệu USD.
Các sự kiện cũng mang lại rất nhiều tiền cho các đài truyền hình. Tại Hoa Kỳ, NBC giữ quyền phát sóng độc quyền Olympic. Công ty truyền thông này tiết lộ đã bán được ít nhất 1,2 tỷ USD tiền quảng cáo trước Thế vận hội. Đài truyền hình nắm giữ quyền phát sóng độc quyền Thế vận hội cho đến năm 2032, dự kiến sẽ có doanh thu kỷ lục.
Con số này cao hơn đáng kể so với những gì các đài truyền hình khác thu được cho các sự kiện nổi tiếng khác mà họ có quyền phát sóng độc quyền. Ví dụ, CBS thu về kỷ lục 635 triệu USD cho sự kiện Siêu Cup Bóng bầu dục Mỹ (Super Bowl).
Những tên tuổi lớn nhất trong một số môn thể thao cuối cùng đều có được những hợp đồng tài trợ và quảng cáo béo bở, gồm huyền thoại Michael Phelps - người giành 28 HC vàng, hay biểu tượng thể dục dụng cụ Mỹ Simon Biles. Nhưng với những VĐV chưa có tên tuổi, việc dự Olympic đã là thành công.
Hồng Duy