Trong trận chung kết gặp đối thủ Trung Quốc Wu Peng chiều 8/8, Leonardo hoàn thành phần thi sau 4,75 giây, nhanh hơn đối thủ chỉ 0,02 giây. Đây là thành tích tốt nhất sự nghiệp của cả hai VĐV, giúp Leonardo đoạt HC vàng còn Peng nhận HC bạc. Kỷ lục thế giới nội dung này do Sam Watson (Mỹ) tạo ra trong trận tranh HC đồng diễn ra hôm qua, với 4,74 giây.
Leo núi thể thao xuất hiện lần đầu tại Olympic ở Tokyo năm 2021, khi không có đại diện nào của Đông Nam Á tham dự. Kỳ này, Indonesia có tới bốn VĐV góp mặt, trong đó Rajiah Sallsabillah đứng thứ tư chung cuộc nội dung leo tốc độ nữ, trước khi Leonardo tạo ra lịch sử cho Indonesia.
Leonardo 27 tuổi, bắt đầu học môn này từ khi lên cấp ba. Anh từng đoạt HC vàng Asiad 2018, rồi ba năm liền vô địch World Cup leo núi thể thao, giai đoạn 2021-2023. Chiến tích Olympic giúp Leonardo trở thành VĐV Indonesia đầu tiên ngoài cầu lông, đoạt HC vàng Thế vận hội. Đây cũng là HC vàng thứ chín trong lịch sử Indonesia tại Olympic, với tám chiếc trước đó đều tới từ cầu lông.
Indonesia cũng trở thành đoàn Đông Nam Á thứ ba giành HC vàng ở Olympic Paris, sau Philippines và Thái Lan. Philippines đoạt hai HC vàng đều nhờ Carlos Yulo ở thể dục dụng cụ, còn Thái Lan gặt hái vinh quang với nữ võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit hạng dưới 49kg nữ.
Leo núi thể thao ra đời năm 1985 tại các nước châu Âu, còn nội dung leo tốc độ xuất hiện năm 1998. Kể từ năm 2005, môn này được đưa vào chương trình World Games. Olympic Tokyo chỉ có hai nội dung leo núi thể thao, nhưng hai nội dung mới xuất hiện tại Paris, chính là leo núi tốc độ nam, nữ.
Hoàng An