Du khách khi đến thăm phải xếp hàng tuân thủ các quy tắc xa cách biệt cộng đồng và được các cảnh sát đo thân nhiệt trước khi vào bên trong nhà thờ. Nhà thờ Thánh Peter đã đóng cửa từ ngày 10/3 để ngăn nCoV lây lan.
"Ta xin chia sẻ niềm vui tới những tín hữu cuối cùng có thể đoàn tụ để hội chúng phụng vụ (tập hợp để thực hiện các nghi lễ tôn giáo). Đó là dấu hiệu hy vọng cho toàn xã hội", Giáo hoàng Francis nói trong buổi cầu nguyện trực tuyến hôm 17/5.
Italy là một trong những nước đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn Covid-19 từ hai tháng trước. Nước này bắt đầu nới hạn chế từ ngày 4/5 và tới 17/5. Người đi bộ và đi xe đạp đã tấp nập trên đường phố Rome.
Các quán ăn, quán bar, quán cà phê, cửa tiệm và hàng làm tóc cùng một số cơ sở kinh doanh không thiết yếu khác được phép mở cửa trở lại từ hôm nay. Các hoạt động tụ tập đông người cũng được nối lại.
Lệnh phong tỏa của Italy không chỉ cắt đứt các hoạt động kinh doanh ở nước này, mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, bao gồm cả việc tham dự cầu nguyện. Giáo hoàng Francis đã phải tiến hành cầu nguyện trực tuyến từ nhà riêng.
Giáo hoàng chưa có kế hoạch cử hành bất kỳ buổi lễ tôn giáo nào ở nhà thờ Thánh Peter, nơi có thể chứa tới 60.000 người, hoặc tại Quảng trường Thánh Peter, do vẫn tránh đám đông để ngăn nguy cơ dịch lây lan.
Trước khi mở cửa trở lại, hàng chục nhân viên đã tiến hành phun khử trùng tại nhà thờ Thánh Peter hôm 15/5. Nhà thờ dự kiến vẫn tuân theo khuyến nghị của Bộ Nội vụ Italy, hạn chế các buổi lễ lên tới 200 người.
Trên khắp hàng chục nghìn nhà thờ ở Italy, tín đồ Công giáo có thể tham dự không chỉ các buổi lễ mà cả đám cưới và đám tang, miễn là họ tuân thủ biện pháp cách biệt cộng đồng như đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 4,8 triệu người nhiễm và hơn 310.000 người chết. Italy, quốc gia bao quanh Vatican, hiện ghi nhận hơn 225.000 ca nhiễm và gần 32.000 người chết.
Ngọc Ánh (Theo AFP)