Hai tuần sau khi phong tỏa toàn quốc, chính phủ Italy quyết định mở rộng lệnh đóng cửa bắt buộc từ các hoạt động thương mại không thiết yếu đến ngành công nghiệp nặng của nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Italy hiện là quốc gia xuất khẩu lớn về máy móc, dệt may và nhiều hàng hóa khác ở châu Âu.
Động thái mới của Italy, quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì nCoV nhiều nhất thế giới, giống các giải pháp mạnh tay được Trung Quốc áp dụng hơn là các quốc gia phương Tây khác, những nơi bùng phát dịch chậm hơn Italy ít nhất một, hai tuần.
Quyết định đóng cửa ngành công nghiệp cho thấy Italy đã đặt ưu tiên bảo vệ mạng người ở quốc gia có dân số già dễ tổn thương lên trên nỗi sợ hãi về nguy cơ gây tổn thương thêm cho nền kinh tế vốn đang đứng bên bờ vực suy thoái.
Liên đoàn Công nghiệp Italy (Confindustria) ước tính khoảng 70-100 tỷ euro (tương đương 77-110 tỷ USD) giá trị tài sản quốc gia sẽ "bốc hơi" mỗi tháng nếu 70% công ty đóng cửa. Trong hai tuần qua, dù một số công ty lớn đã ngừng hoạt động, hàng nghìn nhà máy nhỏ vẫn tiếp tục sản xuất sau lệnh phong tỏa. Nhưng giờ đây, các nhà máy này cũng sẽ bị đóng cửa.
"Chúng ta đang bước vào một nền kinh tế thời chiến", Vincenzo Boccia, chủ tịch Confindustria, cho biết.
Các nhà kinh tế học đưa ra dự đoán đầy choáng váng về nguy cơ trượt dài của nền kinh tế tại một quốc gia chưa thực sự hồi phục sau suy thoái trong hai thập kỷ qua.
Erik Nielson, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng UniCredit, dự đoán quy mô kinh tế Italy sẽ bị thu hẹp khoảng 5-15% trong năm nay. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp đã tính đến khả năng nền kinh tế sẽ phục hồi vào cuối năm 2020 cùng các gói cứu trợ. Bộ Tài chính Italy cho rằng Covid-19 sẽ làm sụt giảm 5-7% giá trị GDP nước này năm 2020.
"Những hậu quả của việc đóng băng nền kinh tế có nguy cơ không thể khắc phục, bởi các công ty liên tiếp phải tạm dừng hoạt động trong thời gian không xác định", Il Sole 24 Ore, tờ báo kinh doanh của Italy có xu hướng ủng hộ Confindustria, hôm 26/3 đăng xã luận.
Sắc lệnh "đóng băng" nền công nghiệp có hiệu lực trong một tuần, nhưng đối với các biện pháp kiểm soát dịch hà khắc khác có thể sẽ kéo dài phụ thuộc vào diễn tiến của Covid-19.
Đây được coi là lời cảnh báo nghiêm túc với nhiều quốc gia khác ở châu Âu và Mỹ, nơi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đặt mục tiêu mở cửa nền kinh tế trở lại vào giữa tháng 4, bất chấp những cảnh báo từ giới chuyên gia y tế. Mỹ hiện chưa tính đến bất cứ kịch bản đóng cửa nền sản xuất trên quy mô toàn quốc nào.
Sau sắc lệnh đóng cửa hoạt động của Thủ tướng Giuseppe Conte, hàng trăm nghìn công ty lớn, vừa và nhỏ sẽ ngừng hoạt động và công nhân sẽ nhận được một phần lương theo chế độ thất nghiệp ngắn hạn đã được mở rộng đến các doanh nghiệp nhỏ nhất.
Những công ty này bao gồm nhà sản xuất lốp xe Pirelli, chiếm tới 6% lượng sản xuất toàn cầu và Luxottica, nhà sản xuất kính mắt lớn nhất thế giới, chủ sở hữu các hãng nổi tiếng như Ray-Ban và Oakley.
Mối quan tâm lớn nhất của các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là nền kinh tế Italy sẽ đóng cửa trong bao lâu, tổn hại như thế nào tới dòng tiền và gây cản trở hoạt động kinh doanh trở lại ra sao.
"Nếu lệnh đóng cửa kéo dài hai, ba tháng, nó có thể sẽ đơn giản giống như bật đèn trở lại, bởi các chuỗi cung cứng và hậu cần vẫn hoạt động rất hiệu quả. Nhưng nếu thời gian đóng cửa lâu hơn, thói quen tiêu dùng sẽ thay đổi nghiêm trọng", Carlo Salvato, chuyên gia về kinh doanh vừa và nhỏ tại Đại học Bocconi ở thành phố Milan, nhận định.
Olivari là một công ty gia đình chuyên sản xuất tay nắm cửa có trụ sở ở tỉnh Novara, phía bắc Italy và từng tồn tại qua hai cuộc thế chiến khi chuyển sang sản xuất đạn dược nhờ có chuyên môn về đồng và nhôm. Nhưng trong cuộc chiến với Covid-19, công ty này sẽ không có cỗ máy chiến tranh nào để bù đắp những thiệt hại do lệnh đóng cửa bắt buộc gây ra.
Antonio Olivari, người phụ trách nghiên cứu và phát triển của công ty, cho biết doanh nghiệp với 80 công nhân và có doanh thu hàng năm hơn 16 triệu USD này có thể phục hồi nếu chỉ đóng cửa từ hai tuần tới một tháng. Nhưng nếu lệnh đóng cửa kéo dài vài tháng, nhiều vấn đề sẽ phát sinh, bao gồm vấn đề tiền lương.
"Nhưng sản xuất vào thời điểm này cũng không có ý nghĩa gì, bởi các cửa hàng gia dụng và các kênh phân phối đều đóng cửa", Olivari nói.
Thói quen và ưu tiên tiêu dùng của mọi người có thể sẽ thay đổi sau cuộc khủng hoảng. "Mọi người sẽ vẫn muốn đầu tư vào việc hoàn thiện và tu sửa nhà ư? Họ sẽ có những mối quan tâm khác. Nó sẽ là một sự thay đổi khác thường mà chúng ta chưa từng trải qua", Olivari nói thêm.
Thanh Tâm (Theo AP)