Trong Hội nghị Chuyển đổi số Y tế Quốc gia 2020 được tổ chức ngày 30/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không chỉ bây giờ mà từ nhiều năm trước, ngành y tế đã chú trọng ứng dụng CNTT và rất nhiều việc ngành theo đuổi đã có kết quả rõ hơn. Tuy nhiên, muốn tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngành y tế "phải quyết tâm hơn nữa, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, đồng thời cần nhận thức CNTT là công cụ hữu hiệu, không thể thiếu trong phòng bệnh, khám chữa bệnh".
Theo Phó Thủ tướng, ngành y tế nói chung và chuyển đổi số y tế nói riêng cần hai điều: thứ nhất là hành lang pháp lý, cơ chế tài chính phải cập nhật, thay đổi để giải quyết các vướng mắc và thứ hai là phải có lòng tin có thể làm được. Trong khi đó, ứng dụng CNTT và thực hiện thành công đề án khám chữa bệnh từ xa có thể giúp đạt được mục tiêu mỗi người dân có một bác sĩ, cũng như người dân có thể lựa chọn bác sĩ, cơ sở y tế, thời gian khám chữa bệnh... theo nhu cầu.
Xây dựng nền tảng công nghệ số
Cùng quan điểm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đánh giá quá tải bệnh viện tuyến trên là vấn đề kéo dài của ngành y tế. Tuyến trên quá tải, bệnh nhân đi xa tốn kém, trong khi đầu tư của nhà nước cho tuyến dưới chưa hiệu quả. Do đó, cần có giải pháp kết nối hàng trăm nghìn bác sĩ với các hộ gia đình để tư vấn khám bệnh từ xa, tiến tới mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới.
"Kết nối hàng trăm nghìn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình phải là một nền tảng công nghệ số. Mô hình hoạt động ở đây là, nền tảng chỉ cung cấp dịch vụ kết nối và quản lý, không cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh. Các bác sĩ mới là người cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ tư vấn khám bệnh. Nền tảng tạo ra công cụ để hàng nghìn bác sĩ có thể kết nối để tận dụng thời gian, tri thức và kinh nghiệm của mình cho việc tư vấn người bệnh", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo ông, công nghệ số sinh ra khái niệm nền tảng. Một nền tảng dùng chung cho các bệnh viện, một nền tảng dùng chung cho mọi người bệnh. Không như trước đây, một việc như nhau, một vấn đề giống nhau nhưng được giải quyết bằng hàng nghìn phần mềm khác nhau ở các bệnh viện.
"Nền tảng dễ dùng, không phải đào tạo nhiều. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia coi nền tảng là giải pháp chính để đẩy nhanh chuyển đổi số. Bộ Y tế nên khởi động chuyển đổi số bằng một số nền tảng để giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất của ngành y tế", người đứng đầu Bộ TT&TT nói.
Ông cũng khẳng định, giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hóa là "mơ ước lớn nhất của nhân loại và chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này". Trong xu hướng chuyển đổi số, "ai dám thí điểm cái mới, sớm ứng dụng cái mới, dám cho cái mới một tờ giấy khai sinh, người đó mới có cơ hội thành công, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng".
Những điểm sáng của chuyển đổi số y tế
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định ngành y tế đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số.
"Bộ Y tế đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thí điểm triển khai robot tại các bệnh viện, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và đến nay đã lập được hơn 90 triệu hồ sơ. Đặc biệt, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đã phát huy hiệu quả rõ rệt", ông Dũng nêu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, ngành y tế là một trong những ngành có nhiều điểm sáng trong việc tham gia thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo ông Long, Bộ không lấy mục tiêu chuyển đổi số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đề ra, mà dựa trên chính mục tiêu của ngành y tế. Mục tiêu quan trọng nhất của chuyển đổi số y tế là để phục vụ người dân tốt hơn, người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ông Long tuyên bố, ngành y tế cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong thời gian tới, đồng thời công khai y tế. "Lâu nay có những điều tiếng về giá cước, giá trang thiết bị... Do đó, chúng tôi khai trương Cổng công khai y tế, đưa lên cổng giá bán của hơn 62.000 dược phẩm, 17.000 trang thiết bị, vật tư y tế, 93.000 kết quả đấu thầu... Hơn 1.400 cơ sở y tế cũng công khai giá dịch vụ", Bộ trưởng cho hay.
Trong Covid-19, Bộ cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phòng chống dịch bệnh với các giải pháp như Bluezone, nCovi. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ứng dụng tờ khai y tế.
Một điểm sáng nữa là đề án khám chữa bệnh từ xa. Chỉ sau hai tháng triển khai, đến cuối tháng 9, Bộ đã khánh thành hệ thống 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa, kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối. Đến nay, số điểm khám từ xa tăng lên hơn 1.500, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại địa phương.
"Chúng ta phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đồng đều và công bằng giữa các vùng các miền. Chỉ có giải pháp khám chữa bệnh từ xa mới có thể thực hiện mục tiêu đó", ông Long nhấn mạnh.
Châu An
Ảnh: Giang Huy