TS Hoàng Việt Anh và cộng sự công ty GFD cùng nhóm nghiên cứu Đại học Queensland (Australia) đang triển khai lắp hệ thống giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại 15 điểm trong tỉnh Cà Mau. Các điểm lắp đặt được phân bố tại các khu vực nuôi tôm quảng canh và ưu tiên lắp tại các cửa sông, khu vực dễ bị ô nhiễm, bắt đầu thực hiện từ tháng 10.
TS Việt Anh cho biết, việc thực hiện thí điểm mô hình giám sát chất lượng nước thời gian thực cho tỉnh Cà Mau cho phép giám sát thời gian thực nhiều lần trong một ngày. Khi có sự thay đổi chính xác về độ mặn, người dân có thể dễ dàng chủ động lấy nước vào đầm, đảm bảo sức khỏe của tôm.
Hệ thống có tên gọi AQUAM, với khả năng đo đạc các chỉ số quan trọng trong môi trường nước, liên quan trực tiếp tới nuôi trồng thủy sản, bao gồm: độ mặn, lượng pH, oxy hòa tan, độ kiềm, độ đục, nhiệt độ. "Hệ thống quan trắc tự động theo thời gian thực mà dự án đang xây dựng cung cấp trực tiếp tới người dân các số liệu hàng ngày, hàng giờ, giúp họ chủ động trong việc lấy nước và có phương án xử lý khi có thay đổi về điều kiện môi trường nước", TS Việt Anh cho biết.
Toàn bộ hệ thống được thiết kế gồm ba thành phần chính, các module thu nhận số liệu, hệ thống máy chủ trên nền tảng IoT và các module phần mềm chuyển tải số liệu, kết quả phân tích.
Các cảm biến trong module thu nhận số liệu có chức năng đo thông tin về môi trường (độ mặn, lượng pH, oxy hòa tan). Các dữ liệu này được bộ phận truyền tín hiệu không dây từ trạm chuyển về hệ thống máy chủ, nhờ năng lượng từ pin mặt trời hoặc ắc quy. Sau đó máy chủ đảm nhiệm thu nhận dữ liệu theo thời gian thực, đồng thời giám sát sức khỏe các phần cứng trên hiện trường nhờ công nghệ quan trắc thời gian thực.
Để phân tích dữ liệu môi trường trong thời gian thực, nhóm nghiên cứu tích hợp công nghệ học máy (machine learning). Từ đó đưa ra hiện trạng môi trường và khuyến nghị về xử lý nước và chăm sóc tôm dựa trên kết quả đo đếm. Các kết quả phân tích được chuyển tới thiết bị người dùng dưới dạng tin nhắn.
TS Việt Anh cho biết: "Sau khi phát triển xong các thiết bị mẫu, dự án sẽ lắp đặt và vận hành tại các khu vực thực tế từ tháng 5 năm sau, sau đó bàn giao lại cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn tỉnh Cà Mau vào tháng 10 năm sau".
Dự án phát triển hệ thống giám sát nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau mới đây được Chương trình hợp tác phát triển của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tại Việt Nam (Aus4Innovation) giới thiệu để minh họa cho việc ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào phát triển bền vững. Mô hình này giúp các thí sinh dự thi AI Hackathon online "RESET 1010" hiểu rõ hơn các ứng dụng AI vào thực tế để doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất để phát triển các ý tưởng.
Cuộc thi "RESET 1010" diễn ra online trong ba ngày 20, 21, 22/11/2020 do AngelHack là tổ chức trong chuỗi sự kiện AI4VN đóng vai trò thúc đẩy ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, dưới sự bảo trợ và phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, sự đồng hành từ Aus4Innovation (chương trình hợp tác phát triển của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tại Việt Nam) và UNDP (chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam), Thành đoàn - Hội Sinh viên - Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội, Công ty giải pháp trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS), Báo VnExpress.
AngelHack là tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo được thành lập tại San Francisco, Mỹ với mong muốn kết nối cộng đồng yêu công nghệ để biến những ý tưởng mới thành sự thật. Trong vòng 7 năm, AngelHack đã trở thành đơn vị tiên phong trong các chương trình thúc đẩy sáng tạo, đã đồng tổ chức và giúp đỡ tổ chức hackathon, các cuộc thi trên nền tảng số, accelerator, meetup và phát triển ý tưởng ở hơn 106+ thành phố trên toàn thế giới.
AngelHack hiện có hơn 160.000 lập trình viên, designer và entrepreneur, AngelHack là một cầu nối đáng tin cậy cho các cá nhân và tập thể muốn tìm các giải pháp đổi mới. Mục tiêu trong giai đoạn 2019 - 2020 AngelHack tập trung xây dựng cộng đồng, nâng cao chất lượng nhân lực đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp khác nhằm tìm kiếm giải pháp mới.
Nguyễn Xuân