Khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng hai năm ngoái, chính phủ Ukraine lập tức cấm đàn ông dưới 60 tuổi xuất cảnh, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho chiến sự có thể kéo dài với Nga, đồng thời phát động chiến dịch kêu gọi công dân tòng quân.
Hàng chục nghìn người Ukraine đã hưởng ứng lời kêu gọi, đến các trung tâm tuyển quân để tình nguyện ra chiến trường, hoặc tham gia lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ, huấn luyện ở hậu phương để sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến.
Đến nay, không ít người trong số họ đã thiệt mạng hoặc bị thương trong những trận đánh khốc liệt, khiến chính quyền Ukraine phải cố gắng tuyển mộ lực lượng thay thế. Nhưng nhiều thanh niên ở hậu phương giờ đây không muốn nhập ngũ, và Tổng thống Volodymyr Zelensky thừa nhận trốn quân dịch đang là "vấn đề nghiêm trọng" của Ukraine.
Hơn một năm chiến sự đã gây tổn thất nặng nề với quân đội chuyên nghiệp của cả Ukraine và Nga, dù cả Kiev và Moskva đều không công bố số liệu chính thức nhằm tránh gây tác động tiêu cực trong hàng ngũ. Các quan chức phương Tây ước tính mỗi bên hứng chịu khoảng 100.000 thương vong sau những trận giao tranh đẫm máu.
Đây được cho là lý do Nga hồi tháng 9 năm ngoái phải phát lệnh huy động hơn 300.000 quân dự bị và Tổng thống Valadimir Putin cũng kêu gọi người dân sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài.
Ukraine có quân số thường trực khoảng 260.000 người vào thời điểm giao tranh nổ ra. Quân đội nước này đến nay vẫn có thể bổ sung quân số thường xuyên và đang đặt hy vọng vào hàng chục nghìn binh sĩ mới, trong đó có cả những người được huấn luyện ở phương Tây, sẵn sàng cho cuộc phản công mùa xuân.
Nhưng Ukraine gặp nhiều khó khăn hơn rất nhiều so với Nga trong huy động nguồn binh lực dự trữ, do dân số nước này chưa bằng 1/3 Nga, chưa tính đến hàng triệu người phải sơ tán ra nước ngoài kể từ khi chiến sự nổ ra.
Tổng thống Zelensky hồi tháng hai tuyên bố Ukraine không muốn dùng biện pháp cưỡng ép người dân nhập ngũ và vẫn dựa vào lòng nhiệt thành yêu nước trong dân để tuyển quân. Những quảng cáo trên truyền hình kêu gọi thanh niên đăng ký nhập ngũ và "bảo vệ những gì thuộc về mình" hay "biến lửa giận thành sức mạnh".
Nhưng số lượng người tình nguyện ra chiến trường dường như đang giảm dần. Ngày càng nhiều bài đăng trên mạng xã hội hướng dẫn thanh niên Ukraine né tránh các điểm tòng quân. Cơ quan An ninh Ukraine cho biết trong tháng qua, họ đã đóng 26 kênh Telegram đăng địa điểm và thời gian các sĩ quan phát lệnh triệu tập.
Nam công dân Ukraine khi nhận lệnh triệu tập sẽ có thể được yêu cầu đến khám sức khỏe để đánh giá khả năng nhập ngũ, hoặc phải gói ghém hành lý ngay lập tức để sẵn sàng tham gia huấn luyện chiến đấu.
Một giám đốc 25 tuổi điều hành công ty tiền điện tử ở Kiev suốt nhiều tháng qua đã tránh xa quán cà phê, nhà hàng và các địa điểm công cộng khác để tránh bị triệu tập. Anh hiểu việc huy động quân có ý nghĩa như thế nào với nỗ lực kháng cự của đất nước, nhưng anh tin rằng mình sẽ đóng góp hiệu quả hơn bằng cách ủng hộ một phần thu nhập hàng tháng cho lực lượng vũ trang.
"Tôi tin là còn vô số người khác có khả năng chiến đấu tốt hơn tôi", anh nói. "Tôi không cầm súng ở tiền tuyến, nhưng có nhiều mặt trận khác trong cuộc xung đột này".
Theo Ruslan Bortnik, lãnh đạo Viện Chính trị Ukraine, cơ quan nghiên cứu chính sách ở Kiev, những thay đổi chính sách gần đây cũng góp phần khiến nhiều người không muốn nhập ngũ.
Tháng trước, quân đội Ukraine cắt giảm phụ cấp với người không trực tiếp tham gia chiến đấu nhằm tiết kiệm chi phí. Luật mới do Tổng thống Zelensky ký hồi tháng 1 áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn với hành vi đào ngũ và bất tuân thượng lệnh.
Những bê bối như lệnh gọi nhập ngũ không phù hợp đối tượng hay các video trên mạng cho thấy các sĩ quan tuyển quân xô xát với nhóm thanh niên không chấp hành lệnh triệu tập cũng khiến không ít người cảm thấy thất vọng.
Cơ quan tuyển quân ở miền tây Ukraine đã phát lệnh triệu tập và xác nhận đủ khả năng chiến đấu với một người khuyết tật, dù anh này bị cụt tay. Người thân một binh sĩ cho hay anh chỉ được huấn luyện 10 ngày trước khi bị điều ra tiền tuyến và thiệt mạng ngay sau đó.
Giới chức Ukraine tuần trước thừa nhận phải rút ngắn thời gian huấn luyện tân binh do mức độ khốc liệt của xung đột, nhưng bác bỏ thông tin điều quân nhân chưa qua đào tạo ra chiến trường.
Một thợ hàn 38 tuổi ở thành phố miền đông Dnipro đã 5 lần nhận lệnh triệu tập, dù anh đang phải chăm sóc ba con cùng mẹ già bị ung thư và bản thân có vấn đề về sức khỏe. Theo anh, tất cả những điều trên đều là cơ sở miễn trừ nhập ngũ, vì vậy, anh kiên quyết từ chối lệnh.
Nhưng hành động phớt lờ lệnh triệu tập có thể khiến người nhận lệnh bị truy tố. Bởi vậy, một số đàn ông Ukraine đã tìm đến những biện pháp cực đoan để không phải nhập ngũ.
Lực lượng biên phòng Ukraine thường xuyên thông báo về những vụ bắt người vượt biên, đăng các câu chuyện về đàn ông đóng giả phụ nữ hay chi tiền cho những kẻ buôn người để bỏ trốn. Một người còn suýt chết đuối khi cố bơi qua con sông dọc biên giới với Hungary trong tháng này.
Chính quyền Ukraine cho hay 66.374 nam giới đã rời khỏi đất nước trong năm 2022 nhờ sử dụng giấy tờ cho phép các tình nguyện viên và nhân viên cứu trợ nhân đạo rời đi, miễn là họ quay lại trong một khoảng thời gian xác định. Nhưng hơn 9.300 người không trở về.
Một số thanh niên Ukraine mua ghế trên xe tải đường dài để rời khỏi đất nước, hay hối lộ bác sĩ để được cấp giấy chứng nhận không đủ sức khỏe nhập ngũ, hoặc đăng ký vào trường đại học bằng hồ sơ giả.
Một người đàn ông ở Kiev, 37 tuổi, đã rời Ukraine hồi tháng hai sau khi trả gần 10.000 USD cho ba kế hoạch vượt biên khác nhau. Anh từng sở hữu một doanh nghiệp nhỏ bán phụ tùng xe hơi, nhưng nó đã sụp đổ khi xung đột nổ ra.
Người này cho biết lần đầu tiên anh trả 2.500 USD để mua suất du học tại một trường đại học ở Warsaw, Ba Lan. Nhưng sau khi anh nhận được thẻ sinh viên vào tháng 9 năm ngoái, Ukraine ra thông báo không cho phép các nam sinh viên xuất cảnh.
Doanh nhân này sau đó chi 3.000 USD cho một đầu mối tại văn phòng tuyển quân để cho tên anh vào danh sách không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Đầu mối nhận tiền, nhưng sau đó không trả lời các cuộc gọi từ anh.
Cuối cùng, anh mua một bộ hồ sơ xác nhận anh là nhân viên cứu trợ tình nguyện, đi đến biên giới Ba Lan trong đêm và dành hơn 60 phút thuyết phục lính biên phòng rằng mình không tìm cách bỏ trốn khỏi đất nước.
Một lượng đều đặn thanh niên Ukraine vẫn tình nguyện nhập ngũ và nhiều người sẵn sàng chiến đấu, nhưng Bortnik, người đứng đầu Viện Chính trị Ukraine, cho rằng thời gian có thể không đứng về phía Ukraine khi nước này tiếp tục mất quân trên chiến trường khi chiến sự kéo dài.
Ukraine có thể nhận được ngày càng nhiều khí tài hiện đại từ phương Tây, nhưng mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa nếu quân đội nước này không thể bù đắp lực lượng tổn thất qua các đợt giao tranh, trong khi Nga vẫn liên tục điều lính dự bị tới chiến trường.
Theo Bortnik, các khoản trợ cấp lớn trong quân đội Ukraine có thể là động lực thu hút một số người vẫn chần chừ ở hậu phương. "Khi những khuyến khích tài chính đó không còn nữa, nhiều thanh niên cho rằng họ có thể tự kiếm tiền mà không phải mạo hiểm mạng sống", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)