Phát biểu trên truyền hình hôm nay, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak, người từng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, cho biết Kiev muốn số quốc gia đóng vai trò bảo trợ an ninh khi nước này tuyên bố trung lập "càng nhiều càng tốt".
Tuy nhiên, Podolyak cho hay Nga không muốn tăng thêm số lượng quốc gia tham gia đảm bảo an ninh cho Ukraine. Cố vấn này nói rằng đây là một trong những trở ngại lớn nhất đối với quá trình đàm phán hướng tới thỏa thuận hòa bình của hai bên.
Nga từng cho rằng Belarus, đồng minh của Moskva, nên là một trong những quốc gia bảo trợ an ninh cho Ukraine, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đề nghị đóng vai trò trung gian giữa các nước láng giềng trong quá trình đàm phán hòa bình.
Sau cuộc đàm phán với Nga ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng trước, Ukraine yêu cầu các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra bảo trợ an ninh cho Ukraine khi nước này tuyên bố trung lập và sẵn sàng phản ứng trước bất cứ hành vi vi phạm chủ quyền nào nhắm vào họ.
Podolyak khi đó nói rằng những quốc gia "bảo trợ" sẽ có nghĩa vụ pháp lý theo hiệp ước quốc tế để cung cấp vũ khí, lực lượng hoặc trợ giúp tài chính nếu Ukraine bị tấn công sau khi đã tuyên bố trung lập.
![Phái đoàn Nga (phải) và Ukraine đàm phán tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng trước. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/14/dam-phan-hoa-binh-1649922433-4415-1649924013.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=m0QwBd4WRZdDYl0Ag69n_w)
Phái đoàn Nga (phải) và Ukraine đàm phán tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng trước. Ảnh: Reuters.
"Ý nghĩa của hiệp ước này là một quốc gia muốn tấn công Ukraine sẽ biết rằng Kiev không đơn độc, khi các nước khác đang sát cánh bên Ukraine, cùng với quân đội và vũ khí của họ", Podolyak nói, bày tỏ tin tưởng rằng hình thức đảm bảo an ninh như vậy có thể giúp chấm dứt xung đột.
Một số quốc gia châu Âu đã bày tỏ quan tâm tới đề xuất trở thành bên bảo trợ an ninh cho Ukraine, nhưng đến nay chưa một thỏa thuận vững chắc nào được đưa ra.
Nga ngày 24/2 mở chiến dịch quân sự nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán nhưng chưa mang lại kết quả đột phá nào. Tổng thống Vladimir Putin hôm 13/4 nói rằng "sự không nhất quán" của Ukraine trong các cuộc đàm phán đang cản trở tiến trình hướng tới thỏa thuận cuối cùng.
Theo ông Putin, phía Ukraine đã "chệch hướng" khỏi những cam kết đã đưa ra trong vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul. "Chúng tôi một lần nữa quay lại với tình trạng rơi vào ngõ cụt", Tổng thống Nga nói.
Sau hơn một tháng chiến sự, Nga rút quân khỏi khu vực quanh thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv để tập trung vào vùng Donbass ở phía đông Ukraine. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 4,6 triệu người Ukraine đã phải chạy trốn khỏi đất nước kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự, trong đó hơn 2,6 triệu người sang Ba Lan.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (OHCHR) ghi nhận 4.521 trường hợp thương vong dân thường, trong đó 1.932 người chết và 2.589 người bị thương. Cơ quan này cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
![Cục diện chiến trường Ukraine sau 8 tuần giao tranh. Đồ họa: Al Jazeera. Bấm vào hình để xem chi tiết.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/04/14/55631871781372667a-nga-ukraine-4523-8021-1649924013.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ok-l6HSnFshxilHWSGUciA)
Cục diện chiến trường Ukraine sau 8 tuần giao tranh. Đồ họa: Al Jazeera. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Huyền Lê (Theo Reuters, Guardian)