"Chính sách khó lường của ông Donald Trump về hỗ trợ quân sự cho Kiev và cách chấm dứt xung đột sẽ là thách thức lớn nhất với Ukraine trong năm nay", Justyna Gotkowska, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông, trụ sở tại Warsaw, Ba Lan, nhận xét trong một bài xã luận hồi tuần trước.
Gotkowska và nhiều chuyên gia tin rằng đây là lý do Ukraine và cả châu Âu cần phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho những chông gai đang chờ đón họ trong năm 2025.
Sau hơn 1.000 ngày giao tranh, Ukraine đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, trong khi Nga đang đẩy mạnh đà tiến trên chiến trường, tăng cường các cuộc không kích vào hạ tầng năng lượng trọng yếu của đối phương.
Gần 1/5 lãnh thổ Ukraine hiện do lực lượng Nga kiểm soát, mặc dù Ukraine cũng phát động chiến dịch tấn công qua biên giới và chiếm một phần tỉnh Kursk của đối phương.
Tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi phải thừa nhận rằng quân đội Nga đã đạt được những tiến triển đáng kể ở khu vực miền đông Donetsk. Pokrovsk, một chốt chặn quan trọng của Ukraine, đang chịu sức ép đáng kể. Nếu Pokrovsk thất thủ, Nga có thể tăng thêm đà tiến để kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn.
Trước lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang "đi trên dây" trong chính sách ngoại giao.
"Thách thức lớn hơn của Tổng thống Zelensky hiện nay là đảm bảo nguồn hỗ trợ quân sự từ Mỹ cho Ukraine không bị chặn lại khi ông Trump lên nắm quyền", Ann Dailey, nhà nghiên cứu chính sách tại RAND Corporation, tổ chức tư vấn có trụ sở tại California, nhận định.
Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Ukraine, đã cung cấp viện trợ lên tới 61,4 tỷ USD kể từ đầu xung đột. Hồi đầu tuần, Nhà Trắng tiếp tục cam kết rót thêm 6 tỷ USD nữa, nhưng đây có thể là những khoản hỗ trợ cuối cùng của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống đắc cử Trump từng nói rằng ông không hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Ukraine nhằm chống lại Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với kênh NBC, ông cho biết Ukraine có khả năng sẽ nhận được ít viện trợ quân sự hơn sau khi ông nhậm chức, thêm rằng châu Âu nên hỗ trợ ở mức tương đương với Mỹ.
"Chúng ta sẽ phải chịu 350 tỷ USD và châu Âu là 100 tỷ USD. Tại sao châu Âu lại không chịu như chúng ta?", ông nói. "Điều duy nhất nên xảy ra là châu Âu phải tìm cách cân bằng".
"Đối đầu Nga là điều quan trọng với châu Âu hơn chúng ta. Ta có một thứ nhỏ gọi là đại dương nằm giữa chúng ta với họ", ông cho biết thêm.
Tổng thống đắc cử đã thận trọng không tiết lộ nhiều về kế hoạch chấm dứt xung đột của ông, mặc dù Keith Kellogg, người được ông chọn làm đặc phái viên Mỹ về vấn đề Ukraine, đã đệ trình một kế hoạch hòa bình hồi tháng 4.
Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ gây áp lực lên cả hai bên bằng cách cắt viện trợ quân sự cho Ukraine nếu nước này không đồng ý đàm phán và tăng cường các chuyến hàng vũ khí cho Kiev nếu Moskva từ chối ngồi vào bàn thương lượng.
Ông Trump cũng chỉ trích Ukraine sau khi nước này phóng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga hồi tháng trước.
"Tôi cực kỳ phản đối việc phóng tên lửa có tầm bắn hàng trăm km vào Nga. Tại sao chúng ta lại làm như vậy?" ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time.
Những tuần gần đây, các trợ lý của Tổng thống đắc cử đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn với điều kiện là Kiev phải hoãn gia nhập liên minh NATO trong 20 năm để đổi lấy việc tiếp tục nhận được viện trợ quân sự từ phương Tây, đồng thời triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới Ukraine nhằm giám sát lệnh ngừng bắn.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng điều này chỉ khiến trật tự an ninh ở châu Âu thêm bất ổn.
"Mối lo ngại lớn nhất của tôi là Ukraine sẽ phải chịu áp lực chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ với Nga, vì ông Trump sẽ rất muốn thực hiện lời hứa chấm dứt xung đột", Kristi Raik, phó giám đốc Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế, trụ sở tại Tallinn, Estonia, cho biết.
Các tuyên bố của Tổng thống Zelensky gần đây đã được điều chỉnh theo thực tế tình hình. Ông hiện nhấn mạnh nhu cầu về an ninh lâu dài hơn là giành lại lãnh thổ, đồng thời ra hiệu sẵn sàng đàm phán chấm dứt giao tranh.
Bước biến đổi này diễn ra sau những thừa nhận trước đó rằng lực lượng Ukraine khó có thể đẩy lùi quân đội Nga khỏi vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát, trong đó có bán đảo Crimea và một số khu vực ở miền đông Ukraine.
Về phía Nga, Tổng thống Putin vẫn tỏ ra tự tin trước những gì quân đội của ông đã đạt được.
Trong cuộc họp báo cuối năm vào ngày 19/12/2024, ông chủ Điện Kremlin nói rằng quân đội Nga đang tăng đà tiến trên chiến trường và "năng lực phòng thủ của Nga là cao nhất thế giới".
Tuy nhiên, ông cho biết "sẵn sàng tham gia" vào các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, lưu ý rằng "chính trị là nghệ thuật thỏa hiệp".
Tổng thống Nga nhắc đến các cuộc đàm phán hòa bình được Nga - Ukraine tổ chức hồi đầu năm 2022 ở Istanbul, với dự thảo được thảo luận khi đó đề cập đến việc Điện Kremlin kiểm soát khu vực Crimea, Donbass, còn Ukraine phải từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO cũng như cắt giảm lực lượng quân sự.
Những cuộc đàm phán đó đã thất bại khi cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau gây sụp đổ toàn bộ tiến trình.
"Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh rằng Nga là bên hành động theo lý trí, khi sẵn sàng chấp nhận lệnh ngừng bắn theo các điều khoản của riêng mình và cáo buộc phía Ukraine phá hoại thỏa thuận trước đó", Natia Seskuria, chuyên gia tại Viện An ninh Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, đánh giá.
Nhưng Nga dường như đang có vị thế đàm phán mạnh hơn và tin rằng Ukraine rốt cuộc sẽ chấp nhận nhượng bộ dưới sức ép của ông Trump.
Tổng thống Putin đã nhiều lần nói rằng việc hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine là không đủ đối với Moskva. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 30/12 nhấn mạnh lại lập trường của lãnh đạo Nga, khẳng định ông sẽ không xem xét các kế hoạch được cho là do nhóm của ông Trump đưa ra.
"Chúng tôi không hài lòng với các đề xuất do đại diện nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra về việc hoãn tư cách thành viên NATO đối với Ukraine trong 20 năm, cũng như đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Anh và châu Âu vào Ukraine" Ngoại trưởng Lavrov cho biết.
"Vì sự mở rộng lâu dài của NATO là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng Ukraine, nên việc đảm bảo vị thế không liên kết của Ukraine vẫn là một trong những mục tiêu mà chiến dịch cần phải đạt được", ông nhấn mạnh.
Ngay cả khi Trump cố gắng khôi phục quan hệ giữa Mỹ và Nga sau khi nhậm chức, ông vẫn sẽ phải "bơi ngược dòng" bởi đạt được đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ về vấn đề xung đột Ukraine "không phải điều đơn giản", Ngoại trưởng Lavrov cho hay.
Theo Dailey, Nga hiện cho rằng họ có lợi thế về cả quân sự lẫn chính trị. "Với những điều kiện này, tôi không nghĩ Nga sẽ nhượng bộ nhiều", bà nhấn mạnh.
Trong khi Tổng thống Zelensky lập luận rằng việc gia nhập NATO là một động thái cần thiết để bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công trong tương lai, triển vọng của Kiev đang lu mờ dần ở cả Mỹ và châu Âu, nơi các lãnh đạo dường như ngày càng chia rẽ về những cam kết an ninh mà họ có thể đưa ra.
Dù vậy, Tổng thống Zelensky vẫn không ít lần tuyên bố rằng Ukraine cần hỗ trợ rõ ràng từ Mỹ cũng như bảo đảm an ninh của châu Âu.
"Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là có hai bên cùng tham gia: Mỹ và châu Âu", ông phát biểu trong các cuộc đàm phán gần đây được tổ chức tại Brussels, Bỉ.
Vũ Hoàng (Theo NBC News, AFP, Reuters)