"Hoạt động của các chính trị gia nhằm mục đích gây chia rẽ hoặc thông đồng đều sẽ thất bại và hứng chịu phản ứng gay gắt", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói ngày 20/3. "Dựa trên các yếu tố gồm xung đột đang diễn ra với Nga và mối quan hệ của một số cấu trúc chính trị với nước này, hội đồng an ninh và quốc phòng quốc gia quyết định đình chỉ hoạt động của một số đảng trong thời gian thiết quân luật".
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ngày 24/2, Ukraine áp đặt thiết quân luật trong 30 ngày. Ông Zelensky hôm nay ký lệnh gia hạn thiết quân luật thêm 30 ngày, kể từ ngày 26/3.
Nổi bật nhất trong số 11 đảng bị đình chỉ là đảng Đối lập vì Cuộc sống, do doanh nhân Viktor Medvedchuk lãnh đạo, giữ 44 trong 450 ghế quốc hội Ukraine. Các quan chức đảng Đối lập vì Cuộc sống chỉ trích quy định mới "không có cơ sở pháp lý".
Giới chức Ukraine năm ngoái cáo buộc Medvedchuk tội phản quốc và quản thúc tại gia doanh nhân này. Ukraine nói rằng Medvedchuk đã thoát khỏi lệnh quản thúc tại gia ba ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự, chưa rõ nơi ở của doanh nhân này.
Đảng Nashi, do Yevhen Murayev lãnh đạo, cũng nằm trong danh sách cấm hoạt động. Trước khi chiến sự nổ ra, tình báo Anh cho rằng Nga đang cân nhắc đưa ông Murayev lên làm lãnh đạo Ukraine. Nga bác thông tin này, còn cựu nghị sĩ Murayev kêu gọi bên ngoài ngừng chia rẽ Ukraine để "chúng tôi tự xây dựng hòa bình cho đất nước của mình".
Một số quan chức Nga chỉ trích quyết định của giới chức Ukraine. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin gọi đây là "thêm một sai lầm làm chia rẽ" Ukraine.
Động thái diễn ra khi Tổng thống Zelensky muốn củng cố ảnh hưởng trên lĩnh vực truyền thông. Ông Zelensky ngày 20/3 ký sắc lệnh hợp nhất các kênh truyền hình quốc gia thành một nền tảng vì "tầm quan trọng của chính sách thông tin thống nhất" theo thiết quân luật.
Phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, song chỉ thống nhất được về vấn đề lập hành lang nhân đạo sơ tán dân thường, chưa nhất trí về lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, nước giữ liên lạc với cả hai phái đoàn, ngày 20/3 cho biết hai bên "gần đạt được thỏa thuận" nhưng không cho biết chi tiết.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)