"Chúng tôi mới nhận được nhưng chưa sử dụng. Đạn chùm có thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường", chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy nhóm chiến thuật - chiến lược Tavria của quân đội Ukraine, trả lời phỏng vấn ngày 13/7. "Đối phương cũng hiểu với số đạn này, chúng tôi sẽ có lợi thế. Họ sẽ từ bỏ những khu vực mà chúng tôi có thể sử dụng đạn chùm".
Theo Tarnavskyi, lãnh đạo cấp cao sẽ quyết định "các khu vực có thể sử dụng đạn chùm", đồng thời nhấn mạnh "đây là loại vũ khí rất uy lực".
Tướng Ukraine cũng lưu ý các hạn chế đối với việc sử dụng đạn chùm, nói rằng vũ khí này bị cấm sử dụng ở khu vực đông dân cư, ngay cả những khu vực Nga đang kiểm soát.
Mỹ trước đó cho biết đã có văn bản đảm bảo từ Ukraine rằng đạn chùm sẽ không được sử dụng ở những khu vực có dân thường và sẽ theo dõi quá trình sử dụng chúng để đảm bảo hoạt động rà phá bom mìn sau này.
"Người Nga nghĩ chúng tôi sẽ sử dụng nó trên toàn bộ mặt trận. Điều này rất sai lầm, nhưng họ đã rất lo lắng", Tarnavskyi cho hay.
Valeryi Shershen, phát ngôn viên nhóm Tavria, sau đó xác nhận thông tin này. "Đạn chùm đã đến tay lực lượng quốc phòng của chúng tôi", Shershen cho biết trên truyền hình Ukraine.
Tướng Douglas Sims, phụ trách tác chiến tại Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng xác nhận đạn chùm đã được chuyển đến Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gây tranh cãi khi công bố quyết định viện trợ Đạn Thông thường Cải tiến Đa dụng (DPICM), còn gọi là đạn chùm, cho Ukraine tuần trước. Ông Biden nói rằng đó là quyết định khó khăn, nhưng cần thiết khi kho đạn dự trữ ở Ukraine và các đồng minh đang cạn kiệt nhanh chóng. Một số quốc gia đồng minh NATO của Mỹ như Anh, Tây Ban Nha đều nói rằng không khuyến khích sử dụng loại vũ khí này.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, cung cấp đạn chùm chỉ là "tạm thời". "Một khi sản xuất vũ khí đạt đến mức có thể đáp ứng nhu cầu của Ukraine, chúng tôi sẽ không cần tiếp tục cung cấp đạn chùm nữa", ông nói hôm 11/7, song không nêu thời gian cụ thể.
Đạn chùm không sát thương bằng thuốc nổ hoặc đầu đạn xuyên phá thông thường, mà chứa lượng lớn đạn con được phát tán khi đến gần mục tiêu. Cơ chế này cho phép một quả đạn mẹ rải hàng trăm đến hàng nghìn đạn con trên diện rộng, hiệu quả sát thương cao hơn nhiều so với đạn pháo hoặc rocket nổ mảnh thông thường.
Một số quả đạn con có thể gặp trục trặc với ngòi nổ, khiến chúng không kích hoạt và rơi rải rác mà không có bất cứ bản đồ đánh dấu nào. Những đạn con này vẫn giữ nguyên cơ chế kích hoạt và có thể phát nổ khi ai đó chạm vào, ngay cả khi chiến sự đã kết thúc nhiều năm.
Trước mức độ nguy hiểm của loại vũ khí này, hơn 100 quốc gia đã ký Công ước về Bom, Đạn chùm (CCM), trong đó cấm sản xuất, tích trữ, sử dụng và chuyển giao chúng. Mỹ, Nga và Ukraine đều từ chối tham gia công ước.
Huyền Lê (Theo CNN)