"Hôm nay hơn 150 tàu phải xếp hàng để thực hiện nhiệm vụ cung cấp nông sản của chúng tôi. Điều này xảy ra do Nga đang cố tình làm chậm việc di chuyển của các tàu", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video hôm 21/10 nhưng không nói rõ chi tiết.
Tổng thống Ukraine cho biết thêm Algeria, Bangladesh, Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Iraq, Lebanon, Morocco và Tunisia nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng vì sự chậm trễ này. Ông Zelensky nói xuất khẩu ngũ cốc Ukraine "bị hụt ba triệu tấn" do Nga cản trở.
Nga chưa bình luận về phát ngôn của Tổng thống Ukraine.
Xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua các cảng ven Biển Đen được nối lại sau thỏa thuận ngày 22/7 do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian. Thỏa thuận này nhằm giải phóng hàng triệu tấn ngũ cốc Ukraine mắc kẹt sau khi chiến sự tại quốc gia này bùng phát.
Cụ thể, Trung tâm Điều phối chung (JCC) được thành lập tại Istanbul, bao gồm các đại diện cấp cao từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên Hợp Quốc. Các tàu đến bốc hàng cần trải qua quá trình kiểm tra ngoài khơi Istanbul để đảm bảo không mang vũ khí, sau đó đi qua hành lang an toàn được JCC thiết lập đến các cảng Chornomorsk, Odesa và Yuzhny của Ukraine. Trong hành trình rời đi, các tàu lại bị kiểm tra ở ngoài khơi Istanbul.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 gọi thỏa thuận ngũ cốc Ukraine là "trò lừa bịp trơ tráo", khi phần lớn lương thực được chuyển tới châu Âu, thay vì các nước nghèo nhất.
Xuất khẩu ngũ cốc đình trệ được cho là nguyên nhân khiến giá lương thực toàn cầu tăng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về nạn đói, đặc biệt ở những nước nghèo nhất thế giới. Nga bác cáo buộc làm trầm trọng khủng hoảng lương thực, cho rằng các lệnh hạn chế đối với xuất khẩu của nước này khiến giá lương thực tăng.
Giới chức Nga cho biết dù lương thực và phân bón được rút khỏi lệnh hạn chế xuất khẩu của nước ngoài, nước này vẫn chịu hạn chế liên quan đến hậu cần, thuê tàu, chuyển tiền và bảo hiểm.
Ngọc Ánh (Theo AFP)