Reuters đưa tin tỷ phú Abramovich xuất hiện trong vòng đàm phán trực tiếp mới nhất giữa Nga và Ukraine tại thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay, song hiện chưa rõ vai trò của ông là gì. Cảnh quay cho thấy Abramovich ngồi trong phòng họp cùng quan chức hai nước và đang điều chỉnh tai nghe.
Abramovich đã cố đóng vai trò trung gian hòa giải từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, bao gồm chuyến đến Kiev để tham gia cuộc đàm phán không chính thức đầu tháng này.
Abramovich, 55 tuổi, chủ cũ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea, là một trong những nhà tài phiệt Nga bị chính phủ Anh áp lệnh trừng phạt do chiến dịch quân sự của Moskva. Ông bị đóng băng tài sản ở Anh, bị cấm giao dịch với các cá nhân và doanh nghiệp Anh, đồng thời bị cấm nhập hoặc xuất cảnh ở Anh.
Tuy nhiên, tỷ phú này không bị Mỹ trừng phạt, được cho là do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị Washington không nhắm vào ông vì vai trò của Abramovich trong các cuộc đàm phán hòa bình. Một nguồn tin ở Moskva cho biết Abramovich đã gặp riêng cả ông Putin và ông Zelensky trong tháng qua.
Theo tạp chí Forbes, tài sản ròng của Abramovich trước khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt là 7,2 tỷ USD.
Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine Mykhailo Podolyak cuối tuần trước cho biết ông cảm thấy Nga đang ngày càng nghiêm túc hơn trong các cuộc đàm phán, song từ chối bình luận về vai trò của Abramovich.
Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay xác nhận tỷ phú Abramovich đang tham gia cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul. "Ông ấy không phải thành viên chính thức của phái đoàn Nga" trong các cuộc đàm phán, nhưng "tham gia vào việc đảm bảo một số cuộc tiếp xúc giữa Nga và Ukraine", ông Peskov nói.
Vòng đàm phán hòa bình mới giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian bắt đầu tại Istanbul chiều nay, được tổ chức kín. Phái đoàn hai nước đã đến thành phố trước đó một ngày. Truyền hình Ukraine cho biết khi cuộc đàm phán bắt đầu, hai phái đoàn chỉ "chào hỏi nhau một cách lạnh lùng và không bắt tay".
Cả Mỹ và Ukraine đều cho rằng rất khó có bước đột phá ngay lập tức, nhưng việc nối lại đàm phán trực tiếp là bước đầu tiên quan trọng để tiến tới thỏa thuận ngừng bắn.
"Tối thiểu phải đạt thỏa thuận về hành lang nhân đạo, và tối đa là phải đạt thỏa thuận về lệnh ngừng bắn", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói về cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga ngày 24/2 phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine". Nga cũng yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và không bao giờ tham gia liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu. Trong khi đó, Ukraine tuyên bố có thể xem xét phương án trung lập khi có các đảm bảo an ninh, nhưng khẳng định sẽ không nhượng bộ về lãnh thổ.
Sau hơn một tháng chiến sự, Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol, đồng thời bao vây các đô thị lớn của Ukraine. Tuy nhiên, tình hình chiến trường được cho là đang rơi vào thế bế tắc, khi các bên không tiến hành những đợt tấn công quy mô lớn, mà chỉ tập trung bảo vệ các phần lãnh thổ đang kiểm soát.
Hai bên đã tổ chức ba vòng đàm phán trực tiếp và cũng tiếp xúc trực tuyến, song không mang lại kết quả đột phá nào ngoài tìm được điểm chung về một số hành lang nhân đạo và sơ tán dân thường khỏi các khu vực giao tranh.
Phát biểu với các phái đoàn trước khi đàm phán diễn ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi phái đoàn Nga, Ukraine xem xét những "quan ngại chính đáng" của nhau và đạt thỏa thuận ngừng bắn để chấm dứt thảm kịch. "Thế giới mong đợi tin tốt lành từ các bạn", ông nói.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung bờ Biển Đen với cả Nga và Ukraine, đang tìm cách duy trì mối quan hệ tốt đẹp với cả hai và đã đề nghị làm trung gian từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh truyền thống của Ukraine và đã cung cấp cho nước này các máy bay không người lái Bayraktar mà Ukraine sử dụng trong chiến sự. Tuy nhiên, Ankara cũng đang tìm cách duy trì quan hệ tốt với Nga, nơi nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt và doanh thu từ du lịch.
Huyền Lê (Theo Reuters, Guardian, Sky News)