Việt Nam đã có cơ hội để tạo ra cơn địa chấn mới tại giải U23 châu Á, nhưng thất bại 0-2 dưới tay Saudi Arabia cũng phản ảnh đúng những gì đội bóng đang có: tràn trề tự tin, khoáng đạt, trẻ trung nhưng thiếu kinh nghiệm và cảm quan "chiến trường". Những phẩm chất đó đem đến cho đội bóng của HLV Gong sức mạnh để chơi các trận đấu theo cách riêng, nhưng cũng vì vậy họ không thể quật ngã Saudi Arabia lão luyện, tinh ranh và có khả năng điều tiết nhịp điệu thi đấu.
Các cú chọc thẳng vào cổ chân đối thủ liên tục được cầu thủ Saudi Arabia thực hiện trong 30 phút đầu tiên. Đấy là một dạng tiểu xảo trong thi đấu. Không quá ác ý nhưng khiến các tiền vệ Việt Nam không thể giữ bóng lâu. Các trọng tài, kể cả khi có sự hỗ trợ của VAR, cũng khó có căn cứ rút thẻ. Chính vì thế, vẫn giữ được sự chủ động về lối chơi và tốc độ lên bóng, nhưng các đợt tấn công của Việt Nam thường khựng lại, mất dần sự thanh thoát cần thiết để tạo ra áp lực liên tục lên phần sân đối phương.
Trong một trận đấu không quá chênh lệch về chất lượng, đội bóng nào thực dụng và khôn ngoan sẽ có cơ hội chiến thắng lớn hơn. Điều đó thể hiện trọn vẹn trong bàn thua đầu tiên của Việt Nam. Xuất phát từ tình huống cầu thủ đối phương lao vào trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh. Nếu nương theo đà và ngã xuống, có thể trọng tài đã thổi còi theo hướng có lợi cho người chiếm vị trí trước là hậu vệ của Việt Nam. Nhưng thay vì phải thể hiện mình bị phạm lỗi, Việt Anh nén đau thi đấu, trong khi cầu thủ Saudi Arabia nằm lăn lộn trên sân. Vì thế, trọng tài cho phép hưởng lợi thế, và rồi bàn thua xảy đến. Không khuyến khích việc "diễn" hay tiểu xảo, nhưng trong bóng đá đỉnh cao có những thứ nằm ngoài cả chuyên môn thông thường. Một pha bóng lẽ ra cần chiếm ưu thế thì U23 Việt Nam vô tình ném bỏ, rồi dẫn đến mất tập trung.
Trước bàn thua đó, Việt Nam đã chơi 40 phút hay nhất từ đầu giải, bằng chính thứ bóng đá đang làm cho người hâm mộ hài lòng về sự thay đổi mang tính cách mạng mà HLV Gong tạo dựng trên nền tảng bị xem là kém hơn nhiều so với thế hệ 2018. Tỷ lệ cơ hội thành bàn của Việt Nam gấp đôi, thế trận pressing tầm cao được thực hiện gần như hoàn hảo buộc Saudi Arabia phải liên tục chuyền đổi cánh thiếu chính xác. Nhưng khi Việt Nam chưa đủ lạnh lùng trong các pha kết thúc, thiếu một chút may mắn ở cú sút của Lê Minh Bình, khác biệt đã được tạo ra bởi sự già giơ của đối thủ. Trận đấu được phân định từ thời điểm đó, từ sự chọn lựa đó của hai đội.
Đối phương bổ sung ba cầu thủ đang chơi ở cấp ĐTQG. Còn Việt Nam xuất phát với chỉ bốn cầu thủ có suất đá chính tại V-League ở cấp CLB, ba người khác đá tại giải hạng Nhất, và có tới hai cầu thủ năm nay 19 tuổi. Đội hình này không thể so sánh với các các lứa U23 Việt Nam đã dự vòng chung kết châu Á các năm 2018, 2020 chứ chưa nói đến Saudi Arabia - nền bóng đá hàng đầu châu lục. Trong đội hình dự chung kết U23 châu Á 2018, có đến tám cầu thủ đã chơi tối thiểu 30 trận đấu V-League trở lên, ngược lại tại trận tứ kết vừa qua, cộng tất cả cũng chưa đến 100 trận.
Và đấy chính là những câu hỏi được đặt ra sau khi Việt Nam kết thúc hành trình trên đất Uzbekistan. Những gì HLV Gong và các cầu thủ đã làm rất tích cực, nhưng câu chuyện mang màu sắc thú vị đó liệu có kéo dài hay không, lại phụ thuộc vào việc dàn cầu thủ U23 này sẽ đi về đâu những ngày tới. Những tuyển thủ đến từ Hà Nội hay Viettel đang chiếm đa số, nhưng không nhiều người trong số họ có suất đá chính tại CLB, khi V-League thi đấu trở lại tháng 7.
Năm 2018, trung vệ Đình Trọng đã có tiếng là "chuyên gia săn Tây" ở V-League trong màu áo Hà Nội. Nhóm cầu thủ HAGL chơi V-League được bốn mùa, còn Phan Văn Đức nhanh chóng thành trụ cột sau khi trở về SLNA. Bây giờ Việt Anh chưa chắc được chọn thay Duy Mạnh vừa trở lại sau chấn thương. Nhâm Mạnh Dũng nhiều khả năng phải nhường suất đá tiền đạo cho ngoại binh ở Viettel. Vũ Tiến Long hay Nguyễn Văn Trường còn phải dự bị dài dài ở một Hà Nội không thiếu tài năng.
Giải U23 châu Á là một sân chơi trẻ. Màn trình diễn giàu năng lượng của U23 Việt Nam cũng chỉ thành công khi các cầu thủ đang chơi ở một giải trẻ, nơi không có quá nhiều toan tính. Nhưng từ nay đến cuối năm, sẽ chẳng còn một giải đấu U23 nào cho Việt Anh và các đồng đội thể hiện. Họ sẽ phải tự thân đấu tranh tìm chỗ đứng tại CLB, trước khi nghĩ đến chuyện được HLV Park Hang-seo để mắt đến ở AFF Cup 2022. Nhưng liệu môi trường khắc nghiệt của V-League có chỗ nào để những cá nhân đó tiếp tục thăng hoa?
Song Việt