Khi còn học đại học, Edward Tirtanata (35 tuổi) thích cà phê đến mức ngày nào cũng gọi một cốc lớn từ Dunkin’ Donuts hoặc 7-Eleven. Nhưng hiện tại, anh đã là CEO kiêm đồng sáng lập startup cà phê Kopi Kenangan (Indonesia).
Mỗi ngày, Tirtanata vẫn uống một cốc. Thỉnh thoảng, anh uống đến 3 cốc hoặc hơn, để "thử sản phẩm".
Từ một quầy cà phê nhỏ ở Indonesia năm 2017, Kopi Kenangan giờ đã trở thành thương hiệu cà phê quốc tế, được định giá hơn 1 tỷ USD. Tại Đông Nam Á, họ hiện có hơn 800 địa điểm. Trên CNBC, công ty này cho biết doanh thu năm ngoái là hơn 100 triệu USD.
Tirtanata lớn lên tại Jakarta. Năm 2007, anh sang Boston (Mỹ) học đại học chuyên ngành tài chính - kế toán. Từ nhỏ, Tirtanata không mấy hứng thú với việc học, nhưng lại đam mê khởi nghiệp, khi có cả cha và mẹ đều là doanh nhân.
"Khi còn nhỏ, tôi rất nghịch ngợm. Tôi không thực sự học nhiều. Nhưng mỗi khi có cơ hội kiếm tiền hoặc làm kinh doanh, tôi luôn hào hứng", anh nói. Tirtanata biết nguyên tắc kinh doanh cơ bản là "Mua thấp, bán cao". Khi còn đi học, anh từng bán thẻ Pokemon cho bạn cùng trường để kiếm lời.
Dù vậy, Tirtanata không quá quan tâm đến tiền. Anh thích sự vui vẻ khi được làm điều mình muốn. "Nó chính là thứ khiến tôi luôn nhiệt huyết đến tận bây giờ", anh cho biết.
Bước ngoặt đến với Tirtanata khi mới học năm nhất, mẹ anh gọi điện báo rằng công ty của cha anh đang gặp rắc rối tài chính. Tirtanata quyết định hoàn thành chương trình học 5 năm trong 3 năm. Sau đó, anh trở về Indonesia và thành cộng sự của cha.
"Khi đó, ngày nào với tôi cũng đối mặt với stress và bất ổn. Nhưng tôi cho rằng nó đã góp phần rèn luyện mình trở thành doanh nhân", Tirtanata cho biết.
Dù gia đình gặp rắc rối tài chính, Tirtanata vẫn giữ đam mê khởi nghiệp. Trước Kopi Kenangan, Tirtanata mở một chuỗi cửa hàng trà có tên Lewis & Carroll năm 2015. Tuy nhiên, khi mở đến cửa hàng thứ 5, anh mới nhận ra việc kinh doanh không lãi như kỳ vọng.
Đến một ngày, Tirtanata và người bạn lâu năm James Prananto nhận ra vấn đề, rằng nhiều chuỗi trà và cà phê tại Indonesia quá đắt đỏ với người dân địa phương.
Giá một cốc cà phê latte của Starbucks chỉ tương đương 2% thu nhập ngày trung bình của người Mỹ. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở Indonesia lên tới hơn 30%.
Từ đó, ý tưởng về Kopi Kenangan ra đời. Năm 2017, Tirtanata và Prananto cùng đầu tư tổng cộng 15.000 USD vào cửa hàng đầu tiên tại Jakarta, chỉ bán mang đi. Khách hàng đặt đồ qua ứng dụng, sau đó chọn đến tận nơi lấy hoặc được giao về nhà.
Mô hình này cho phép họ giảm đáng kể chi phí thuê địa điểm, thiết kế không gian ngồi tại quán, để dồn tiền cho nguyên liệu chất lượng. "Thay vì tập trung vào sofa, hay Wi-Fi tốc độ cao, chúng tôi chú trọng vào những cốc cà phê chất lượng", Tirtanata nói. Giá mỗi cốc latte của Kopi Kenangan chỉ vào khoảng 1,1 USD.
Trên thế giới, lĩnh vực kinh doanh đồ uống đang bão hòa, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, Tirtanata cho biết Kopi Kenangan có 3 điểm khác biệt chính với đối thủ. Đó là mô hình chỉ bán mang đi, tích hợp công nghệ, và tùy chỉnh vị theo địa phương.
"Trong khi Starbucks và các chuỗi cà phê khác trên toàn cầu ưu tiên sự thống nhất, tôi nhận ra mỗi người lại có khẩu vị và sở thích khác nhau. Chúng tôi muốn đảm bảo vị của cà phê thực sự phù hợp với thị trường đang hoạt động, nhờ cách tiếp cận phụ thuộc vào số liệu", anh nói. Điều này đồng nghĩa latte Kopi Kenangan ở Singapore sẽ có vị khác với latte ở Indonesia.
Trong đại dịch, Tirtanata và Prananto cũng tăng tốc tích hợp công nghệ vào việc kinh doanh. Điều này giúp số cửa hàng của họ tăng gấp 3 trong thời gian đó.
Tính đến tháng 4/2024, chuỗi cà phê này đã huy động được hơn 230 triệu USD từ nhà đầu tư trên toàn cầu. Kopi Kenangan cũng được định giá 1 tỷ USD từ năm 2021.
Hiện tại, Kopi Kenangan đã có mặt ở cả Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, Tirtanata vẫn chưa hài lòng. Anh muốn mở rộng ra toàn cầu và kỳ vọng ngày nào đó công ty sẽ niêm yết tại Mỹ.
"Công ty càng lớn, việc điều hành càng phức tạp. Tôi luôn phải học hỏi mỗi ngày để trở thành lãnh đạo tốt. Tương lai vẫn đang ở phía trước và chúng tôi chỉ mới đang bắt đầu hành trình của mình", anh nói.
Hà Thu (theo CNBC)