"Tại sao tôi phải xin phép người khác để hành động nhằm vào lãnh thổ đối phương? Vì sao tôi phải nghĩ mình không được phép làm gì tại đó. Chẳng lẽ vì những lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dùng vũ khí hạt nhân? Những người dân đang chết dần không quan tâm đến điều này", tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny nói trong cuộc phỏng vấn công bố hôm 14/7.
Các đồng minh đã cung cấp hàng loạt vũ khí uy lực cho Ukraine, nhưng đặt điều kiện rằng chúng không được phép sử dụng để tiến công vào lãnh thổ Nga, nhằm tránh nguy cơ xung đột leo thang thành chiến tranh toàn diện giữa Moskva và phương Tây.
Zaluzhny nói điều đó khiến ông huy động những vũ khí do Ukraine tự sản xuất cho những cuộc tập kích vượt biên giới. "Đây là vấn đề của chúng tôi nên Ukraine có quyền tự quyết định phương thức tiêu diệt kẻ thù. Trong chiến tranh, cần phải chủ động tập kích mục tiêu ngay trên lãnh thổ đối phương. Nếu các đối tác quá lo sợ, chúng tôi sẽ sử dụng những vũ khí của mình", ông nói.
Đây là lần đầu tiên quan chức cấp cao Ukraine thừa nhận nước này đứng sau những cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Nga.
Tướng Zaluzhny nói rằng ông đang thiếu những nguồn lực cần thiết để tiến hành chiến dịch phản công hiệu quả. Các quan chức phương Tây khẳng định Ukraine có đủ vũ khí để thành công, nhưng tư lệnh quân đội Ukraine từng nhiều lần chỉ trích những người đồng cấp khi họ cho rằng Kiev không cần tiêm kích F-16.
"Quân đội của chính họ sẽ không bao giờ chiến đấu như thế này", ông nói.
Tư lệnh Zaluzhny bày tỏ mong muốn giành lại bán đảo Crimea được Nga sáp nhập năm 2014, dù nhiều quan chức cấp cao phương Tây từng bày tỏ lo ngại về phản ứng từ Moskva nếu binh sĩ Ukraine đặt chân đến khu vực này.
"Tôi sẽ làm gì đó ngay khi có biện pháp tiến hành. Tôi không quan tâm, sẽ không ai ngăn được tôi", ông cho hay.
Ukraine phát động cuộc phản công quy mô lớn từ đầu tháng 6, tung vào chiến trường hàng loạt lữ đoàn do NATO huấn luyện và được trang bị vũ khí phương Tây. Nước này tuyên bố "thành công một phần" trong đợt phản công và giành lại gần 200 km2 lãnh thổ.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine hứng chịu tổn thất nặng nề do bãi mìn, ưu thế không quân và pháo binh của Nga, cũng như thời tiết xấu. Tốc độ tiến quân của Ukraine hiện nay chậm hơn nhiều so với đợt phản công chớp nhoáng hồi mùa thu năm ngoái, thời điểm Kiev giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ chỉ sau hai tuần.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 11/7 nói rằng Ukraine mất hơn 26.000 binh sĩ và khoảng 3.000 đơn vị vũ khí trong chiến dịch phản công, trong đó có 17 xe tăng chủ lực Leopard 2 do Đức chế tạo và 12 thiết giáp M2 Bradley do Mỹ sản xuất. Ukraine không công bố con số thương vong và thiệt hại của họ.
Vũ Anh (Theo Washington Post)