Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền kinh tế nông nghiệp mạnh, nhờ đó tạo ra điều kiện đa dạng, dồi dào cho khai thác, sản xuất điện gió, điện mặt trời, nhiên liệu sinh học. Cùng với hàng loạt chính sách, cơ chế hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ, danh sách các tỉnh thành có dự án năng lượng tái tạo mở rộng: Tây Ninh, An Giang, Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Ninh Thuận... với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, Ninh Thuận kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia. Hiện tỉnh có 8 dự án điện gió và điện mặt trời đã vào vận hành thương mại. Điện gió có ba dự án, công suất 116MW. Điện mặt trời có năm dự án với tổng công suất 631MW. Dự kiến đến tháng 6 đạt 13 dự án điện mặt trời, nâng tổng công suất lên 1.317MW.
Sáng 27/4 tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận khánh thành tổ hợp ba nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, công suất 330MW của liên doanh BIM Group - AC Energy. Trong đó BIM 1 công suất 50MW, BIM 2 công suất 250MW và BIM 3 công suất 30MW.
Trong phát biểu kéo dài năm phút tại sự kiện, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhiều lần nhắc đến cụm từ "phát triển". Ông Đam cho rằng cụm nhà máy của BIM Group không chỉ nhất về quy mô mà còn nhất về tốc độ, kể cả trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư cho đến thực hiện.
Ông Đam nhấn mạnh dự án thể hiện sự sáng tạo, nắm đúng xu thế của tỉnh Ninh Thuận, cùng tinh thần dám nghĩ dám làm, đột phá của các nhà đầu tư, không chỉ vì lợi ích của mình còn vì lợi ích chung của đất nước và lợi ích của cộng đồng.
Trước đó chưa đầy một năm, chính tại nơi Phó thủ tướng cùng hàng trăm quan khách đang đứng còn là hoang mạc cằn cỗi rộng hàng trăm hecta. "Chó ăn đá, gà ăn sỏi" là cách người dân tại đây mô tả về vùng đất này. Mùa nóng tại đây kéo dài đến chín tháng. Thời gian nắng trong ngày kéo dài từ 6 giờ sáng đến chiều muộn. Giữa trưa, không khí bên trên bị nung nóng bốc lên cao nhiều giờ sinh ra những cột xoáy cát cao vài met. Đối với nông nghiệp trồng trọt, đây không phải thuận lợi cho phát triển hoa màu.
Tuy vậy, trong mắt nhiều lãnh đạo tại BIM Group, hiệu ứng nắng chiếu khiến hơi bốc lên, gió mạnh thổi hơi đi là điều kiện lý tưởng cho lĩnh vực khai thác muối và đầu tư năng lượng tái tạo. Tập đoàn từ hơn một thập kỷ qua đã chọn làng Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận để hình thành khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu lớn 2.200ha, công suất đạt 350.000 tấn muối một năm. Đây nhanh chóng trở thành một trong bốn lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của tập đoàn.
Ngành muối là dấu chân đầu tiên của BIM Group khai thác tiềm năng kinh tế tại tỉnh Ninh Thuận. Năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời là bước tiến tiếp theo. "Chúng tôi đã có tầm nhìn dài hạn. Cách đây 7 năm, cột đo gió của BIM đã được lắp đặt để chuẩn bị xây dựng tổ hợp năng lượng tái tạo trong tương lai gần", ông Nguyễn Hải Vinh - Phó giám đốc BIM Energy nhấn mạnh.
Doanh nghiệp kỳ vọng khai thác tối ưu tiềm năng của vùng đất giàu tài nguyên này, mang đến đây những công nghệ hàng đầu trên thế giới và quan trọng nhất là hoàn thành tiến độ trong 18 tháng. Để thực hiện tham vọng đó, BIM Group chọn cách tìm kiếm và hợp tác với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm.
Rất nhiều đối tác tiếp cận dự án này, theo ông Đoàn Quốc Huy - Phó chủ tịch BIM Group, doanh nghiệp muốn chọn một đối tác có kinh nghiệm trong ngành, tương đồng về văn hóa doanh nghiệp, mong muốn phát triển bền vững.
Công ty lần đầu gia nhập lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam và liên doanh với BIM Group là AC Energy, trong đó BIM Group chiếm cổ phần chi phối còn AC Energy là đối tác chiến lược. AC Energy là một trong những công ty năng lượng phát triển nhanh với hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư về năng lượng tái tạo và nhiệt tại Philippines và trong khu vực tới 2025. Doanh nghiệp còn là thành viên thuộc tập đoàn Ayala hàng đầu tại Philippines. Từ 2008, tập đoàn này đã đặt chân đến dải đất hình chữ S thông qua công ty hạ tầng nước Manila Water, hiện đảm nhận lượng lớn nhu cầu cấp nước tại TP HCM.
Ông Patrice Clausse - Giám đốc Điều hành AC Energy cho biết, cụm nhà máy BIM là dự án có quy mô lớn nhất từng có của công ty này trên thế giới khởi nguồn chỉ từ một buổi trò chuyện ngẫu hứng.
Lãnh đạo AC Energy đồng thời đánh giá cao tiềm năng của Ninh Thuận. Ông cho rằng nơi đây là một tổng hoà lý tưởng giữa quỹ đất hiện hữu, dư địa mở rộng và lượng bức xạ mặt trời cao, không có mưa đá. "Chúng tôi từng tìm thấy từng nhân tố riêng lẻ ở nhiều nơi, chẳng hạn như ở Australia mặt trời thiêu đốt còn mạnh hơn, nhưng quỹ đất không cho phép", Giám đốc Điều hành AC Energy cho biết.
Liên doanh BIM - AC Renewables hình thành và nhanh chóng thực hiện mục tiêu chiến lược là tạo ra tổ hợp nhà máy điện mặt trời trước quý II/2019. Hai doanh nghiệp tiến hành công tác khảo sát, thực địa, tìm kiếm và ký kết cùng các nhà thầu trong và ngoài nước. Trong đó có Bouygues của Pháp, JUWI của Đức, cũng như các nhà thầu trong nước uy tín như PPC1, TOJI, Sông Đà 4 và Lilama 18.
Ông Olivier-Marie Racine - Phó tổng giám đốc Điều hành của Bouygues Construction kiêm Chủ tịch của Bouygues Energies & Services cho biết Bouygues tự hào đồng hành cùng liên doanh BIM Group - AC Energy trong dự án trọng điểm và đầy thách thức này.
“Với bề dày kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam, chúng tôi tự tin vào thành công của dự án. Chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội phát triển nhiều nhà máy điện mặt trời lớn hơn nữa trong tương lai”, ông Olivier-Marie Racine nói.
Tháng 1/2018, dự án bắt tay vào giai đoạn hoàn thiện thủ tục. Hơn nửa năm sau, cụm ba nhà máy chính thức khởi công xây dựng. Tháng 8/2018, những chiếc cọc đầu tiên bắt đầu được cắm xuống mảnh đất nắng cháy của huyện Thuận Nam.
Hơn 2.000 nhân lực từ 17 quốc gia quy tụ. Gần 2.000 chiếc xe container được huy động trong vòng 4 tháng để vận chuyển tổng cộng một triệu tấm pin năng lượng mặt trời đến công trường. Riêng BIM 2 rộng 300ha, công suất 250MW lắp đặt tổng cộng hơn 706.000 tấm pin mặt trời, hơn 101.000 cọc vít, 1.200km dây cáp, 58 trạm biến tần.
Không chỉ số lượng lớn, cơ sở thiết bị và kỹ thuật của nhà máy cũng đầu tư ở mức cao cấp. Các tấm pin năng lượng đạt độ bền đến 30 năm.
Trước tải trọng cao, liên doanh chi lớn để xây đắp bê tông một cung đường vành đai bao bọc các cụm nhà máy. Quyết định tuy tốn kém nhưng khiến quá trình xây dựng sau đó tiết kiệm nhiều thời gian.
Thời tiết nắng thiêu đốt và không mưa trong nhiều tháng, dù khá khó chịu nhưng quá trình thi công diễn ra liên tục. Cuối tháng 3/2019, công trường chính thức lắp đặt hạng mục cuối cùng. Chỉ sau chín tháng, một triệu tấm pin trải rộng và phủ kín hàng trăm hecta hoang mạc. Từng cụm pin được đặt đều một góc chênh 9-10 độ so với mặt đất, trải dọc theo hướng Bắc - Nam để tối ưu lượng bức xạ nhận được trong xuyên suốt một ngày. Mỗi năm tổ hợp sẽ sản xuất khoảng 600 triệu KWh và phục vụ 200.000 hộ gia đình và góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường.
"Các chuyên gia từ Đức, Pháp ngỡ ngàng khi chứng kiến chúng tôi hoàn thành dự án 330 MWP", ông Nguyễn Hải Vinh - Phó giám đốc BIM Energy chia sẻ.
Suốt tháng 4 qua, phòng vận hành sáng đèn 24/7. Mỗi ngày sẽ có ba kíp trực gồm một trưởng ca và phó ca, nhằm tinh chỉnh, tăng giảm vận hành theo yêu cầu từ các trạm điện lực khu vực và ghi nhận, xử lý các sự cố dòng điện.
Ông Đoàn Quốc Huy - Phó chủ tịch BIM Group khẳng định tổ hợp điện mặt trời không chỉ là thành tích của liên doanh BIM - AC Renewables, mà còn tạo ra hình mẫu hợp tác quốc tế về đầu tư chất lượng cao, thể hiện cam kết đầu tư lâu dài của tập đoàn vào năng lượng sạch."
Theo kế hoạch, liên doanh đang làm các bước đầu tiên để phát triển dự án điện gió công suất 320MW, dự kiến là trong năm sau để hòa vào mạng lưới trước tháng 11/2021. Đến năm 2022, tổng công suất cung cấp năng lượng sạch từ BIM Energy sẽ đạt tổng quy mô 1.000MW điện mặt trời và điện gió.
Trong không khí hân hoan của lễ khánh thành, nhiều khách mời trong chuyến thăm quan nhà máy còn nhận ra một điểm đặc biệt. Bóng râm tạo ra từ những tấm pin bất ngờ rộ lên những ngọn cỏ xanh tươi vốn khó sinh trưởng tại mảnh đất cằn cỗi.
Theo đại diện BIM Group, trong tương lai nơi đây sẽ gieo trồng những cây hoa giấy nhằm tạo ra cảnh quan đặc sắc, thu hút du khách như một điểm du lịch. Cụm nhà máy không chỉ khai thác tiềm năng, mà nó còn thay da đổi thịt, tạo nên những điều tưởng chừng không thể tại vùng hoang mạc nắng cháy.