Thông tin trên được Bộ Tài chính Trung Quốc công bố cuối chiều 9/4, sau gần 7 giờ khi mức thuế 84% mà Mỹ áp với hàng Trung Quốc có hiệu lực.
Phái đoàn Trung Quốc tại WTO hôm nay bày tỏ lo ngại nghiêm trọng. "Tình hình đã leo thang một cách nguy hiểm. Với tư cách là một trong những thành viên bị ảnh hưởng, chúng tôi bày tỏ lo ngại và phản đối mạnh mẽ với động thái liều lĩnh này", Trung Quốc tuyên bố.
Trung Quốc nói rằng các mức thuế đáp trả vi phạm các quy định của tổ chức và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương. "Tỷ lệ thuế đáp trả không phải - và sẽ không bao giờ - là giải pháp cho những bất cân đối thương mại. Thay vào đó, chúng sẽ phản tác dụng, gây hại ngay cho Mỹ", tuyên bố của Trung Quốc nêu.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đưa 12 công ty Mỹ vào danh sách kiểm soát xuất khẩu và 6 doanh nghiệp vào danh sách "thực thể không đáng tin cậy".
Các công ty được đưa vào danh sách kiểm soát xuất khẩu gồm American Photonics và Novotech. Việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng cho những công ty này sẽ bị cấm. Những công ty được đưa vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy có Shield AI và Sierra Nevada Corporation, sẽ bị cấm tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu liên quan Trung Quốc cũng như đầu tư vào nước này.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói mức thuế trả đũa 84% của Trung Quốc là "điều đáng tiếc" khi Bắc Kinh không muốn đàm phán. Sự leo thang căng thẳng lần này sẽ khiến Trung Quốc thua thiệt.
Ông Bessent cũng tuyên bố không loại trừ khả năng bỏ các cổ phiếu Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, cho biết mọi lựa chọn đều đang được cân nhắc. Theo ông, các đồng minh muốn thảo luận với quan chức Mỹ về cách tái cân bằng chính sách thương mại của Trung Quốc.
"Đó là điều quan trọng nhất hiện nay. Mỹ đang cố gắng tái cân bằng theo hướng tăng cường sản xuất. Trung Quốc cần tái cân bằng theo hướng tăng tiêu dùng", ông nói và cảnh báo Bắc Kinh không nên cố tình phá giá nhân dân tệ như biện pháp đối phó với các mức thuế mới.
"Nếu Trung Quốc bắt đầu phá giá, điều đó sẽ giống như áp thuế lên phần còn lại của thế giới và mọi quốc gia khác sẽ phải tiếp tục tăng thuế để bù lại sự phá giá đó. Tôi mong họ đừng làm như vậy mà hãy ngồi vào bàn đàm phán", Bessent nhấn mạnh.
Theo CNBC, việc hai bên liên tục trả đũa sẽ khiến hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào bế tắc. Dữ liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho thấy năm ngoái, nước này xuất khẩu 143,5 tỷ USD hàng hóa sang Trung Quốc và nhập khẩu gần 439 tỷ USD.

Container hàng hóa tại cảng Oakland, bang California, Mỹ ngày 3/4. Ảnh: AP
Các chỉ số hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc sau thông tin từ Trung Quốc. Hợp đồng tương lai Dow Jones giảm 709 điểm (tương ứng mất gần 1,9%), S&P 500 mất 86,5 điểm (1,72%), Nasdaq giảm khoảng 250 điểm (1,45%).
Tại các thị trường chứng khoán châu Âu, nhiều chỉ số lớn cũng giảm mạnh. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 3,8%, DAX của Đức giảm 3,9%, FTSE 100 của Anh mất 3,5%.
Từ cuối tuần trước đến nay, căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang. Sau khi Tổng thống Trump công bố mức thuế đối ứng 34% với Trung Quốc, Bắc Kinh đã lập tức đáp trả bằng thông báo áp dụng mức tương tự với hàng hóa Mỹ từ ngày 10/4. Ông Trump tiếp tục đe dọa tăng thêm 50%, tức nâng tổng mức thuế đối ứng lên 84% nếu Trung Quốc không rút lại động thái trả đũa. Tổng thống Mỹ cũng nói rằng mong chờ cuộc gọi từ Bắc Kinh.
Dù vậy, Trung Quốc đã không nhượng bộ và phát đi những thông điệp cứng rắn. Hôm 8/4, Bộ Thương mại nước này khẳng định sẽ đáp trả tới cùng nếu Mỹ tăng thuế. Tiếp đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói có đủ công cụ chính sách trong tay để ứng phó với thuế quan và tự tin duy trì sự phát triển của nền kinh tế trong nước.
Chuyên gia William Reinsch tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả hai nền kinh tế như đang chơi đấu vật. "Chuyện này khiến tôi liên tưởng đến môn sumo - hai gã khổng lồ cố gắng quật đối phương ra khỏi sàn đấu", ông nhận xét.
Anh Tú - Viễn Thông - Hà Thu