Theo một chỉ đạo từ chính phủ Trung Quốc và các thông báo được hai trường đại học nước này đăng trên website, tất cả các bài nghiên cứu học thuật về Covid-19 sẽ được thẩm định thêm trước khi nộp cho đơn vị xuất bản.
Các nghiên cứu về nguồn gốc của nCoV sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn và phải được các quan chức chính quyền trung ương phê chuẩn. Thông báo này sau đó đã bị xóa trên trang web của hai trường đại học Trung Quốc.
Một chuyên gia y tế ở Hong Kong, người từng hợp tác với các nhà khoa học đại lục để công bố một phân tích lâm sàng về các trường hợp nhiễm nCoV, cho biết ông không phải trải qua những quy định nghiêm ngặt như vậy khi thực hiện nghiên cứu hồi tháng 2.
Các biện pháp cẩn trọng này được xem như nỗ lực mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm kiểm soát những bài viết về nguồn gốc của Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 1,8 triệu người nhiễm và hơn 110.000 người chết kể từ khi khởi phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019.
Kể từ cuối tháng một, các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố một loạt nghiên cứu về Covid-19 trên những tạp chí y tế quốc tế có ảnh hưởng. Một số phát hiện sớm về các ca nhiễm nCoV, như thời điểm xuất hiện sự lây nhiễm từ người sang người đầu tiên, đã đặt ra câu hỏi về cách đánh giá đại dịch của chính phủ nước này cũng như gây ra tranh cãi trên mạng xã hội.
Hiện tại, giới chức Trung Quốc dường như đang siết chặt hơn việc công bố những nghiên cứu về Covid-19. Một nhà khoa học giấu tên của nước này e ngại động thái trên có thể sẽ cản trở những nghiên cứu quan trọng.
"Tôi nghĩ rằng đó là nỗ lực đồng bộ của chính phủ Trung Quốc để kiểm soát các bài viết và vẽ ra bức tranh như thể dịch không bắt nguồn từ đây. Tôi không cho rằng họ sẽ thực sự cho phép bất kỳ nghiên cứu khách quan nào để điều tra về nguồn gốc của Covid-19", nhà khoa học nhận định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hiện chưa bình luận về thông tin.
Theo chỉ thị của Cục Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, "các nghiên cứu về nguồn gốc của nCoV phải được quản lý nghiêm ngặt và chặt chẽ".
Theo đó, các bài nghiên cứu đầu tiên phải được ban khoa học của các trường đại học phê duyệt. Sau đó, chúng sẽ được gửi tới Cục Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Giáo dục và chuyển tiếp đến một tổ công tác đặc biệt của Quốc vụ viện. Chỉ khi các trường đại học nhận được thông báo chấp thuận của tổ công tác đặc biệt, những nghiên cứu khoa học này mới được phép gửi tới các tạp chí quốc tế để xuất bản.
Các bài nghiên cứu về khía cạnh khác của Covid-19 sẽ được ban khoa học của các trường đại học xem xét, dựa trên những điều kiện như "giá trị học thuật" của nghiên cứu và cân nhắc liệu "thời gian xuất bản" có phù hợp hay không.
Chỉ thị này dựa trên các hướng dẫn được ban hành trong cuộc họp do tổ công tác đặc biệt chống Covid-19 của Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức hôm 25/3. Thông tin được đăng lần đầu vào sáng 10/4 trên trang web của Đại học Phục Đán ở Thượng Hải, một trong những trường đại học lâu đời nhất của Trung Quốc.
Một nhân viên của Cục Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc xác nhận họ đã ban hành chỉ thị, song cho biết đây là thông tin nội bộ không được công khai.
Vài giờ sau, thông báo trên trang web Đại học Phục Đán đã bị gỡ xuống. Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc tại Vũ Hán cũng đăng một thông báo tương tự trên trang web của trường, nhưng sau đó cũng bị xóa.
Cuối tháng 12/2019, Vũ Hán đã báo cáo các ca nhiễm nCoV đầu tiên, được cho là có liên quan tới một chợ hải sản trong thành phố. Nhiều nhà khoa học ở Trung Quốc và phương Tây cho rằng virus này có khả năng bắt nguồn từ loài dơi.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc và truyền thông nhà nước nhiều lần nhấn mạnh chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc chính xác của dịch. Tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng trên Twitter rằng nCoV có nguồn gốc từ Mỹ và quân đội Mỹ có thể đã mang virus tới Vũ Hán.
Tại Trung Quốc, các tài liệu nghiên cứu về nCoV phải trải qua nhiều lớp kiểm tra trước khi gửi tới các tạp chí khoa học. "Luôn luôn như vậy. Chúng phải được ba cấp chấp thuận. Đó là một quá trình lâu dài", Wang Lan, Tổng biên tập của Tạp chí Dịch tễ học Trung Quốc, cho biết.
Một nhà khoa học Trung Quốc nhận định dựa trên những quy định mới, các nghiên cứu về Covid-19 trái ngược với quan điểm của Bắc Kinh có thể bị loại bỏ.
"Cộng đồng khoa học quốc tế phải hiểu rằng bất kỳ bài báo khoa học hay bản thảo nào từ các tổ chức nghiên cứu Trung Quốc đều đã bị chính phủ kiểm tra hai lần. Họ nên biết đã có thêm nhiều bước giữa những nghiên cứu độc lập và công bố cuối cùng", nhà khoa học khẳng định.
Ngọc Ánh (Theo CNN)