Trong ngày thi đấu áp chót 10/8, các VĐV bóng bàn Trung Quốc bước vào chinh phục tấm HC vàng cuối cùng tại nội dung đồng đội nữ, gặp Nhật Bản ở chung kết. Thể thức thi đấu mở màn bằng trận đánh đôi rồi vào bốn trận đánh đơn. Đội nào thắng ba trận trước sẽ thắng chung cuộc.
Trung Quốc suýt thua trận đầu khi đôi Chen Meng - Wang Manyu để Hina Hayata - Miwa Harimoto hai lần dẫn trước. Tuy nhiên, bản lĩnh của tay vợt số hai và số ba thế giới giúp họ gỡ hòa, trước khi thắng kịch tính 12-10 ở set năm.
Sang trận hai, tay vợt số một thế giới Sun Yingsha cũng gặp khó trước Miu Hirano ở set đầu, có lúc bị dẫn 6-10, nhưng vẫn thắng ngược 13-11. Vượt qua áp lực đó, Sun làm chủ thế trận và thắng dễ hai set sau với cùng tỷ số 11-6.
Kịch bản gần tương tự diễn ra ở trận thứ ba, khi Wang Manyu thua tay vợt 16 tuổi Harimoto 12-14 trong set đầu, nhưng thắng liền ba set còn lại để đem về tấm HC vàng đồng đội nữ cho thầy trò Ma Lin.
Trước đó, Trung Quốc mở đầu môn bóng bàn bằng HC vàng đôi nam nữ, nhờ công Wang Chuqin và Sun Yingsha. Ở đơn nam, dù số một thế giới Wang Chuqin bất ngờ dừng bước ở vòng 1/16, số hai Fan Zhendong không mắc sai lầm để chiến thắng. Trong khi đó, đơn nữ là cuộc đấu nội bộ giữa Sun Yingsha và Chen Meng, với phần thắng thuộc về đàn chị Chen như tại Tokyo 2020. Tấm HC vàng thứ tư ở nội dung đồng đội nam khi Ma Long, Wang Chuqin và Fan Zhendong thể hiện sức mạnh vượt trội.
Trung Quốc trở thành đội đầu tiên thâu tóm cả năm HC vàng bóng bàn trong một kỳ Olympic. Tại Tokyo 2020, nội dung thứ năm - đôi nam nữ - lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu, nhưng Xu Xin và Liu Shiwen thua sốc Jun Mizutani và Mima Ito của Nhật Bản trong trận chung kết.
Bóng bàn được đưa vào Olympic lần đầu ở Seoul 1988, với 38 bộ huy chương, nhưng Trung Quốc giành đến 33 HC vàng. Đội có năm kỳ giành trọn bốn HC vàng là 1996, 2000, 2008, 2012 và 2016. Năm HC vàng còn lại thuộc về Hàn Quốc ở đơn nam 1988, 2004 và đôi nữ 1988, Thụy Điển có đơn nam 1992 và Nhật Bản có đôi nam nữ 2000.
Ngoài bóng bàn, Trung Quốc đã đoạt cả tám HC vàng môn nhảy cầu Olympic 2024, ở 3m cầu mềm và 10m cầu cứng đơn nam, đơn nữ, đôi nam và đôi nữ, cũng trong tối 10/8.
Nội dung cuối cùng họ đoạt HC vàng là 10m cầu cứng đơn nam. Sau sáu lượt nhảy, Cao Yuan thể hiện đẳng cấp vượt trội khi giành 547,5 điểm, trong khi HC bạc người Nhật Bản Rikuto Tamai chỉ đạt 507,65 điểm, còn HC đồng Vương quốc Anh Noah Williams là 497,35 điểm.
Trước đó, thần đồng 17 tuổi Quan Hongchan tiếp tục gây kinh ngạc ở nội dung 10m cầu cứng nữ, khi giành trọn bảy điểm 10 ngay lượt nhảy đầu, rồi giành HC vàng kỳ thứ hai liên tiếp. Cô còn cùng Chen Yuxi giành HC vàng 10m cầu cứng đôi nữ.
Đây cũng là lần đầu một đội tuyển giành trọn bộ HC vàng nhảy cầu, kể từ lần đầu môn này có tám nội dung tranh huy chương tại Sydney 2000. Trung Quốc có ba lần giành bảy HC vàng vào kỳ 2008, 2016 và 2020. Khi ấy, đội cản bước Trung Quốc lần lượt là Australia - 10m cầu cứng đơn nam, Vương quốc Anh - 3m cầu mềm đôi nam (2016) và 10m cầu cứng đôi nam (2020).
Nhảy cầu lần đầu xuất hiện ở Olympic 1904, với sự thống trị của Mỹ, khi dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương 15 trong 18 kỳ đến năm 1984. Nhưng kể từ 1988, Trung Quốc thống trị với 10 kỳ liên tiếp dẫn đầu.
Trong 130 bộ huy chương, Mỹ giành 49 HC vàng, còn Trung Quốc ít hơn hai, nhưng gần như chắc chắn sẽ vượt qua ở kỳ sau. Trong khi đó, đội đứng thứ ba lịch sử là Thụy Điển mới có sáu HC vàng.
Trung Quốc là đoàn thứ ba thống trị ít nhất một môn tại Olympic 2024. Trước đó, Hàn Quốc giành trọn năm HC vàng bắn cung, còn Hà Lan giành hai HC vàng khúc côn cầu (hockey).
Trung Quốc đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương Olympic, với 37 HC vàng, 27 HC bạc và 24 HC đồng. Xếp sau là Mỹ (33-41-39), nhưng Mỹ vẫn còn bốn trận chung kết bóng đá nữ, bóng chuyền nữ, bóng rổ nữ và bóng rổ nam, cùng một số nội dung điền kinh.
Ở kỳ trước, Mỹ dẫn đầu với 39 HC vàng, 41 HC bạc và 33 HC đồng. Xếp sau là Trung Quốc (38-32-19) và Nhật Bản (27-14-17).
Hiếu Lương