"Tình hình an ninh ở Sudan tiếp tục xấu đi. Lực lượng hải quân được triển khai từ ngày 26/4 để bảo vệ mạng sống và tài sản của công dân Trung Quốc tại nước này", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cho biết hôm nay.
Quan chức Trung Quốc không tiết lộ chủng loại và số lượng khí tài hải quân được huy động cho nhiệm vụ này.
![Công dân Trung Quốc được sơ tán đến quân cảng ở Jeddah, Arab Saudi, hôm 26/4. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/04/27/trung-quoc-1-7800-1682580581.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Yvg9H-J3YYd4oB7_s3ldCQ)
Công dân Trung Quốc được sơ tán đến quân cảng ở Jeddah, Arab Saudi, hôm 26/4. Ảnh: AFP
Bắc Kinh hồi đầu tuần thông báo sơ tán an toàn nhóm công dân đầu tiên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng khoảng 800 người được hỗ trợ rời Sudan bằng đường biển trong ngày 25-27/4, cùng khoảng hơn 300 người di chuyển sang các quốc gia láng giềng bằng đường bộ.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Sudan với hơn 130 công ty đầu tư vào quốc gia châu Phi tính đến giữa năm 2022. Ước tính khoảng 1.500 công dân Trung Quốc có mặt ở Sudan trước khi xung đột bùng phát.
Giao tranh nổ ra giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) từ ngày 15/4 sau những tuần căng thẳng về việc sáp nhập RSF vào quân đội chính quy. Hai bên nhất trí ngừng bắn trong 72 giờ kể từ ngày 25/4 sau các cuộc đàm phán do Mỹ và Arab Saudi làm trung gian.
Tuy nhiên, nhân chứng cho biết nhiều cuộc không kích vẫn diễn ra và RSF tuyên bố kiểm soát một nhà máy điện cùng một nhà máy lọc dầu lớn.
Liên Hợp Quốc cho hay ít nhất 512 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương từ khi giao tranh bùng phát. Gần 16 triệu người, chiếm khoảng 1/3 dân số của Sudan, đang cần viện trợ nhân đạo.
Sudan nằm ở khu vực đông bắc châu Phi, giáp với Biển Đỏ, có dân số gần 48 triệu người. Đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nằm giữa khu vực Hạ Sahara và Trung Đông, nhưng các cuộc xung đột liên miên khiến Sudan không thể phát triển về kinh tế.
![Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/04/27/sudan-3893-1682500016-8726-1682580581.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eyVFkKWoUd-ory7CT1eZeA)
Vị trí Sudan. Đồ họa: AFP
Khi Nam Sudan tách khỏi Sudan để thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Sudan mất đi nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ vốn chiếm hơn 95% giá trị xuất khẩu của nước này. Cú sốc đó đã gây ra lạm phát phi mã, kết hợp với giá nhiên liệu tăng đã châm ngòi làn sóng biểu tình bạo lực năm 2013.
Khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng thúc đẩy quân đội Sudan hồi tháng 4/2019 đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir, người nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 1993 và từng nhiều lần bị phương Tây chỉ trích.
RSF, lực lượng bán quân sự được thành lập năm 2013 thuộc quyền quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan dưới thời tổng thống al-Bashir, đã ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, cuộc đảo chính này vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ, buộc quân đội Sudan chấp nhận chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, thông qua mô hình Hội đồng Chủ quyền với thủ tướng tạm quyền là Abdalla Hamdok. Quân đội Sudan tiếp tục đảo chính phế truất Hamdok vào tháng 10/2021 và tướng Abdel-Fattah Burhan, tư lệnh quân đội, trở thành người quyền lực nhất nước, đứng đầu chính quyền quân sự.
Vũ Anh (Theo AFP)