VNExpress
Danh mục
  • Chiến sự Nga - Ukraine
  • Một năm giằng co
  • Bàn cờ địa chính trị
  • Pháo đài Bakhmut
  • Cục diện
  • Trở lại Thế giới
  • Thế giới
Thứ bảy, 7/5/2022, 10:27 (GMT+7)

Trung Quốc chỉ trích NATO 'gieo mầm xung đột'

Trung Quốc cho rằng việc NATO mở rộng liên tục đã gây bất ổn ở châu Âu, đồng thời cáo buộc liên minh kích động đối đầu trên thế giới.

"Việc NATO mở rộng liên tục về phía đông sau Chiến tranh Lạnh không chỉ không làm châu Âu an toàn hơn, mà còn gieo mầm xung đột", Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an về duy trì hòa bình và an ninh Ukraine hôm 5/5.

"Trái với tuyên bố rằng bản chất của tổ chức là phòng thủ, NATO đã cố ý phát động các cuộc chiến tranh chống lại các quốc gia có chủ quyền, gây thương vong lớn và thảm họa nhân đạo", ông Trương nói thêm.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an về chiến sự Ukraine hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân phát biểu trong phiên họp của Hội đồng Bảo an về chiến sự Ukraine hồi tháng 4. Ảnh: Reuters.

Đại sứ Trung Quốc nhắc lại việc ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng và hơn 20 nhà ngoại giao nước này bị thương khi NATO phóng tên lửa dẫn đường vào đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư ngày 7/5/1999. Năm đó, Mỹ dội 5 quả bom xuống sứ quán Trung Quốc do lỗi bản đồ, khiến sinh viên ở Bắc Kinh phẫn nộ biểu tình, ném đá vào sứ quán Mỹ.

NATO tiến hành chiến dịch không kích Nam Tư (thực thể chính trị tồn tại từ năm 1992 cho đến năm 2006, khi Montenegro và Serbia tuyên bố độc lập) từ cuối tháng 3/1999 để ngăn chặn hoạt động quân sự của lực lượng tổng thống Slobodan Milosevic chống lại người Albania ở tỉnh Kosovo. Chiến dịch không có sự cho phép của Liên Hợp Quốc và bị Trung Quốc, Nga phản đối quyết liệt.

"Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ quên sự tàn bạo man rợ này và sẽ không bao giờ cho phép lịch sử như vậy lặp lại", ông Trương Quân nói, thêm rằng NATO nên xác định tình huống và thực hiện những điều chỉnh cần thiết.

"NATO đã bám vào học thuyết an ninh lạc hậu, muốn kích động các cuộc đối đầu và gây căng thẳng ở châu Âu, thậm chí là khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như thế giới", đại sứ Trung Quốc nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối điều này.

Ông Trương lặp lại quan điểm của Trung Quốc bằng cách kêu gọi giải pháp hòa bình cho tình hình Ukraine và nỗ lực hạn chế tác động nhân đạo từ cuộc chiến. Theo ông, sau những nỗ lực giúp người dân Ukraine rời Mariupol, tất cả các bên nên thiết lập phương tiện rộng rãi và hiệu quả hơn để phối hợp các nỗ lực nhân đạo nhằm đảm bảo sơ tán suôn sẻ.

Đại sứ Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán Nga - Ukraine. Theo ông, hai bên đã "xây dựng một số cơ sở" từ các cuộc đàm phán trước đó, đồng thời nói rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thu lợi từ việc làm trầm trọng thêm cuộc xung đột sẽ phản tác dụng.

Ông cũng cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt "trên mọi mặt và bừa bãi" khiến người dân ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, phải chịu cảnh lương thực, nhiên liệu tăng giá, cũng như các ảnh hưởng tiêu cực khác.

"Việc tùy tiện thu giữ và đóng băng dự trữ ngoại hối của các nước khác giống như vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, điều đó mang lại nhiều bất ổn và nguy hiểm hơn cho nền kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế", ông cho hay, thêm rằng bài học rút ra từ khủng hoảng Ukraine là không thể thiết lập an ninh của quốc gia này dựa trên sự bất an của các quốc gia khác.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Trung Quốc đã từ chối lên án Moskva, đồng thời chỉ trích làn sóng trừng phạt của phương Tây với Nga. Bắc Kinh tuần trước chỉ trích NATO làm rối loạn châu Âu và khuấy động căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương. Hồi đầu tháng ba, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định quan hệ với Nga "vững như bàn thạch".

Bình luận của Đại sứ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Phần Lan và Thụy Điển đang cân nhắc xin gia nhập NATO. Nga đã cảnh báo châu Âu sẽ bất ổn nếu NATO kết nạp hai quốc gia này.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Đồ họa: Statista.

Huyền Lê (Theo SCMP)

  Trở lại Thế giớiTrở lại Thế giới
Chia sẻ Copy link thành công
×