Các nước phương Tây được cho là có thể sớm bắt đầu quá trình tiêm chủng trên diện rộng cho người dân sau những bước đột phá về vaccine Covid-19. Vaccine BNT162b2, do hãng dược phẩm Mỹ Pfizer hợp tác phát triển cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech, và vaccine mRNA-1273 của hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna đều được ghi nhận hiệu quả 95%.
Các nhà sản xuất vaccine đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng lên cơ quan quản lý tại Mỹ và châu Âu. Pfizer và BioNTech cho biết nếu được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) chấp thuận, vaccine có khả năng được đưa ra thị trường này "trước cuối năm 2020". Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ họp vào ngày 10/12 để thảo luận về việc cấp phép khẩn cấp cho vaccine của Pfizer-BioNTech, trong khi Moderna cũng đã nộp đơn xin phê chuẩn lên cơ quan này.
Giữa lúc người dân Mỹ và châu Âu bắt đầu hy vọng về "ngày tàn" của đại dịch, các công ty dược phẩm Trung Quốc vẫn chưa công bố dữ liệu thử nghiệm của họ. Điều này làm dấy lên thắc mắc, bởi tính đến tháng 9, Trung Quốc đã có tới 4 loại vaccine Covid-19 tiềm năng đang thử nghiệm Giai đoạn ba tại nhiều quốc gia. Giới khoa học Trung Quốc thậm chí từng dự đoán vaccine của họ có thể sẵn sàng được tiêm chủng cho cộng đồng vào đầu tháng 11.
Huang Yanzhong, chuyên gia y tế toàn cầu cấp cao tại nhóm cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối Ngoại của Mỹ, giải thích rằng dữ liệu về mức độ hiệu quả của các vaccine phương Tây có thể được thu thập nhanh hơn bởi nCoV tại những nước này lây lan mạnh hơn.
Khi tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba, các nhà khoa học phải so sánh tình trạng lây nhiễm giữa những tình nguyện viên tiêm giả dược và vaccine. Tình trạng lây nhiễm càng nhiều thì thử nghiệm càng nhanh thu thập đủ dữ liệu.
"Thách thức lớn nhất với Trung Quốc là một số quốc gia đăng ký thử nghiệm vaccine của họ cuối cùng lại ghi nhận ít ca nhiễm nCoV hơn so với dự đoán. Đây là một tình huống trớ trêu", Huang cho hay, lấy ví dụ về Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi vaccine của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) được thử nghiệm quy mô lớn, nhưng số ca nhiễm và tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với đa số quốc gia phương Tây.
Cũng theo chuyên gia này, việc những nhà sản xuất vaccine khác công bố dữ liệu đã gây áp lực lên Trung Quốc, bởi họ từng cam kết cung cấp vaccine Covid-19 cho nhiều nước nhưng giờ đây vẫn chờ dữ liệu. Hôm 11/11, chỉ hai ngày sau khi Pfizer-BioNTech tuyên bố vaccine đạt hiệu quả 90%, Sinopharm cho biết các thử nghiệm lâm sàng của họ sẽ sớm hoàn thành với dữ liệu "tốt hơn dự kiến", nhưng không giải thích chi tiết.
Tuần trước, công ty công nghệ sinh học Trung Quốc Sinovac, nơi phát triển loại vaccine Covid-19 tiềm năng khác, thông báo các thử nghiệm của họ tại Brazil đã thu thập đủ dữ liệu và sẽ cung cấp thông tin trong tuần này. Tuy nhiên, Indonesia tháng trước quyết định không phê duyệt khẩn cấp vaccine của Sinopharm trong năm nay, do chưa có dữ liệu từ Brazil.
"Chúng ta không thể phủ nhận rằng đang có một cuộc chạy đua về vaccine. Khi tiến hành các dự án, Trung Quốc cũng không che giấu tham vọng trở thành nước đầu tiên phát triển vaccine thành công. Họ coi đây là vấn đề liên quan đến niềm tự hào dân tộc, đồng thời muốn chứng minh năng lực của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cao", Huang nhận định.
Vài ngày sau khi Pfizer và Moderna thông báo mức độ hiệu quả của vaccine, truyền thông Trung Quốc đưa tin Sinopharm đã bắt đầu quá trình xin cấp phép có điều kiện đối với hai loại vaccine Covid-19 tiềm năng. Các nhà quản lý Trung Quốc cũng đã phê duyệt sử dụng sản phẩm của Sinopharm và Sinovac trong trường hợp khẩn cấp trước cả khi thử nghiệm lâm sàng hoàn thành, với hơn một triệu người đã tiêm phòng.
Giới chuyên gia y tế đánh giá Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khả năng sẽ phê duyệt các vaccine được phát triển tại châu Âu và Mỹ trước những sản phẩm của Trung Quốc. Cùng với Nhật Bản, các cơ quan quản lý tại Mỹ và châu Âu nằm trong danh sách những nơi có tiêu chuẩn cấp phép nghiêm ngặt được WHO công nhận, giúp việc đánh giá sản phẩm tại những nơi này nhanh hơn. Trung Quốc không thuộc danh sách đó.
"Nếu sản phẩm đến từ một quốc gia mà cơ quan quản lý của nước này không được công nhận là đánh giá nghiêm ngặt, có thể sẽ có những bước xem xét hoặc câu hỏi bổ sung, đồng nghĩa với quá trình đánh giá diễn ra lâu hơn", Jerome Kim, tổng giám đốc Viện Vaccine Quốc tế, cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi quá trình phê duyệt vaccine Covid-19 Trung Quốc kéo dài hơn, miễn là chúng đạt hiệu quả tương đương phương Tây, các nước đang phát triển được cho là sẽ nhanh chóng mua về bởi họ không đủ khả năng tiếp cận những vaccine của phương Tây.
"Thế cạnh tranh có lẽ sẽ không xảy ra. Vào năm 2021, nhu cầu dự kiến vượt nguồn cung, dù thế nào cũng không đủ đáp ứng. Vì vậy, bất cứ bên nào được cấp phép bán vaccine cũng chắc chắn không gặp rủi ro", một nguồn tin giấu tên thân cận với một nhà sản xuất vaccine Trung Quốc cho hay.
Tao Lina, nhà nghiên cứu vaccine tại Thượng Hải, bổ sung thêm rằng Trung Quốc còn có thể nắm giữ lợi thế trong việc cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển do những yêu cầu về bảo quản. "Vaccine Trung Quốc được bảo quản ở 2-8 độ C, trong khi các vaccine của Pfizer và Moderna phải bảo quản ở -70 độ C, tiêu chuẩn rất khó đáp ứng khi phải vận chuyển quãng đường xa, trong khi chúng tôi không gặp vấn đề gì", Tao nói.
Bên cạnh đó, Tao còn đề cập đến năng lực sản xuất của Trung Quốc và cho rằng họ sẵn lòng xuất khẩu vaccine trước cả khi hoàn thành tiêm chủng cho phần lớn dân số trong nước.
"Chúng tôi không thực sự cần tiêm phòng cho quá nhiều người, bởi mức độ lây nhiễm trong nước thấp. Trong khi đó, chúng tôi đủ khả năng sản xuất vaccine cho toàn cầu", nhà nghiên cứu cho biết.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)