Iran là vùng dịch lớn thứ hai châu Á sau Trung Quốc đại lục. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng trước cho biết họ "sẵn sàng hỗ trợ người dân Iran" trong một thông điệp được truyền tải qua Thụy Sĩ - trung gian giữa Washington và Tehran.
Mỹ không nói rõ họ có thể hỗ trợ như thế nào. Nhưng cử chỉ này đánh dấu thay đổi của một chính quyền đã cố gắng làm suy yếu chính phủ Iran bằng mọi cách có thể và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Tehran, gần đây nhất là vào tuần trước.
Mặc dù đã ghi nhận hơn 29.000 ca nhiễm và hơn 2.200 ca tử vong, Iran nhanh chóng từ chối lời đề nghị của Mỹ, nói rằng Mỹ không chân thật và điều họ thực sự muốn là nới lỏng lệnh trừng phạt mà Trump áp đặt kể từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hai năm trước. Ngay cả trước khi bị nCoV tấn công, Iran đã lập luận rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đang khiến những người dân vô tội phải chịu đựng khó khăn.
Trong thư ngỏ tới người dân Mỹ tuần trước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng Mỹ "đang 'giúp sức' cho nCoV bằng các biện pháp trừng phạt", gây ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch của người Iran và một số người đã phải mất mạng.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng chính phủ Iran nên tự trách mình và họ chỉ có thể nhanh chóng chấm dứt các lệnh trừng phạt bằng cách từ bỏ chương trình hạt nhân và can dự nước ngoài ở những nơi như Syria và Yemen.
Tuy nhiên, các lãnh đạo châu Âu, Trung Quốc, Nga và cả một số nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi Washington nới lỏng trừng phạt. Hai quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký António Guterres và Michelle Bachelet, ủy viên cao cấp về nhân quyền, tuần này kêu gọi nới lỏng trừng phạt tài chính với các nước đang gặp khó khăn về kinh tế. Bachelet cho rằng lệnh trừng phạt có thể cản trở điều trị y tế ở Iran, Venezuela, Cuba, Triều Tiên và Zimbabwe, tất cả đều bị Mỹ trừng phạt.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ duy trì quan điểm lệnh trừng phạt không ảnh hưởng đến viện trợ nhân đạo cho Iran và cách quản lý sai lầm cùng nạn tham nhũng của chính phủ Iran là nguyên nhân khiến người dân nước này lâm vào đau khổ.
Nhưng Jarrett Blanc, cựu quan chức ngoại giao dưới thời Obama, cho rằng các hạn chế tài chính của Mỹ cũng bóp nghẹt viện trợ nhân đạo. Iran chỉ coi lời đề nghị giúp đỡ của Mỹ như "vụn bánh mì", Vali R. Nasr, cũng là cựu quan chức ngoại giao dưới thời Obama nói. "Chính phủ Iran không muốn để Mỹ đạt được hiệu quả PR nhờ các biện pháp tối thiểu".
Đề nghị giúp đỡ của Trump được Triều Tiên được đón nhận thân thiện hơn. Trong tuyên bố được hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đăng, Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un, nói rằng đề nghị của Trump cho thấy ý định hợp tác trong công tác chống dịch và gửi lời cảm ơn chân thành đến Mỹ. Nhưng cô Kim không nói rõ liệu Bình Nhưỡng có chấp nhận hay không.
Triều Tiên cho biết họ không ghi nhận ca nhiễm nCoV nào nhưng các chuyên gia không tin điều này. Trump muốn hồi sinh nỗ lực đàm phán hạt nhân đã bị đình trệ một năm trước, sau khi ông bác bỏ yêu cầu nới lỏng trừng phạt của Triều Tiên.
Hai trường hợp Iran và Triều Tiên cho thấy dù đại dịch diễn biến phức tạp, Trump tiếp tục theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại. Các quan chức chính quyền cho rằng khủng hoảng tạo ra những cơ hội mới, nhưng nó cũng mang đến những rủi ro khi Trung Quốc và Nga cũng tìm cách tận dụng cơ hội.
Giới chuyên gia gọi đây là "ngoại giao thảm họa" - các quốc gia sử dụng những thảm họa như động đất, sóng thần và dịch bệnh để thúc đẩy chương trình nghị sự ở nước ngoài. Trong lịch sử, họ thường áp dụng chính sách này khi một nước hay một khu vực gặp thảm họa nhưng giờ Trump và các lãnh đạo thế giới khác đang định hình phản ứng chính trị theo một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến toàn nhân loại.
"Rõ ràng nCoV sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh chính sách đối ngoại của Mỹ trong một thời gian dài", Richard Fontaine, cựu quan chức chính quyền George W. Bush, nói.
Tuy nhiên, chưa rõ chính sách "ngoại giao thảm họa" của Mỹ với Triều Tiên có hiệu quả hay không. Bình Nhưỡng thường chấp nhận viện trợ nước ngoài trong các cuộc khủng hoảng trước đây, bao gồm nạn đói quốc gia. "Nhưng họ sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái khép kín", Ilan Kelman, giáo sư về thảm họa và y tế tại Đại học London, nói.
Kelman nói rằng đây có thể là bài học cho chính quyền Trump. "Không có ví dụ rõ ràng nào trong lịch sử cho thấy các chính sách ngoại giao y tế, ngoại giao thảm họa có thể khiến các nước được giúp đỡ thay đổi lâu dài", ông nói.
Fontaine đánh giá virus làm tăng tốc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc và có thể đẩy nhanh việc rút quân Mỹ khỏi Iraq, Afghanistan và các nơi khác để giữ an toàn cho họ trong đại dịch.
Trung Quốc đã nêu giả thuyết lính Mỹ đem nCoV đến Vũ Hán và đang thể hiện mình là lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch, trong khi Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc, Jack Ma, đề nghị tặng khẩu trang và kit xét nghiệm cho Mỹ - cử chỉ càng làm nổi bật phản ứng muộn màng của chính quyền Trump.
Trong bài đăng trên Facebook hồi đầu tuần, Đại sứ quán Nga tại Washington cũng gợi ý cung cấp kit xét nghiệm cho Mỹ. Hãng tin RT đăng bài xã luận ca ngợi Tổng thống Putin đã mặc đồ bảo hộ trong chuyến thăm tới một bệnh viện ở Moskva, trái ngược với Trump, người họ thường bỏ qua các ý kiến của chuyên gia và nổi giận với các nhà báo.
Ngay cả sự hợp tác giữa các đồng minh không phải lúc nào cũng đạt được kết quả Mỹ mong muốn. Sau cuộc họp hôm 25/3 với các ngoại trưởng của G7, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng trợ giúp y tế của Mỹ với các nước khác chứng minh "sự hào phóng của người Mỹ".
Mỹ cam kết gửi 274 triệu USD cho 64 quốc gia và cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc. Bonnie Glick, quan chức Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, kêu gọi các nước khác cũng "đóng góp không ràng buộc". "Trong cuộc chiến chống nCoV, chúng ta đang cứu mạng chứ không phải giữ thể diện", Glick nói.
Tuy nhiên, Pompeo không phủ nhận khi Der Spiegel đưa tin Mỹ muốn các bộ trưởng G7 chấp nhận viết "virus Vũ Hán" trong tuyên bố chung, khi chính quyền Trump đang liên tục chỉ trích Trung Quốc che đậy dịch trong giai đoạn đầu.
Cuối cùng, trong tuyên bố của cuộc họp G7, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian không đề cập đến Trung Quốc. Thay vào đó, ông nhấn mạnh "cần chống lại mọi nỗ lực khai thác khủng hoảng cho mục đích chính trị".
Phương Vũ (Theo NYTimes)