-
Vua Charles III, Hoàng hậu Camilla xuất hiện trước người dân
Vua Charles III, Hoàng hậu Camilla bước ra ban công Cung điện Buckingham để vẫy chào người dân trong lúc đám đông hò reo ủng hộ. Phía sau họ là Hoàng tử Edward và vợ Sophie, Công chúa Anne và gia đình Thái tử William.
Harry và Hoàng tử Andrew không xuất hiện trong sự kiện này.
Màn biểu diễn của không quân Anh kéo dài khoảng hơn hai phút, với sự tham gia của 5 biên đội trực thăng và đội bay biểu diễn Red Arrows.
Vua Charles III, Hoàng hậu Camilla cùng các thành viên hoàng gia trở vào trong cung điện, nhưng sau đó quay lại ban công để vẫy chào người dân thêm một lần nữa.
-
Màn trình diễn trên không thu nhỏ quy mô
Bộ Quốc phòng Anh thông báo màn trình diễn trên bầu trời Cung điện Buckingham sẽ được thu nhỏ quy mô do thời tiết xấu, với sự tham gia trực thăng và đội bay biểu diễn Red Arrows.
Màn trình diễn ban đầu dự kiến kéo dài trong 6 phút với sự góp mặt của gần 60 máy bay quân sự, trong đó có những chiến đấu cơ từ thời Thế chiến II như oanh tạc cơ Lancaster, tiêm kích Spitfire và Hurricane.
-
Binh sĩ Anh chào mừng nhà vua
Vua Charles III bước ra khu vực phía tây Cung điện Buckingham để tiếp nhận nghi thức chào mừng của binh sĩ. Các quân nhân Anh chào đón nhà vua trong lúc dàn nhạc cử hành quốc thiều.
Các binh sĩ sau đó hò reo ba lần, trước khi Vua Charles III trở về bên trong cung điện.
-
Vua Charles III về Cung điện Buckingham
Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla về Cung điện Buckingham sau lễ đăng quang tại Tu viện Westminster. Đội quân nhạc dừng chơi các bản hành khúc sau khi họ vào đến sân trước. Thay vào đó, họ đánh trống và di chuyển ra các vị trí ở phía sau Cung điện Buckingham, chuẩn bị cho lễ chào mừng nhà vua.
Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla dự kiến cùng các thành viên hoàng gia xuất hiện tại ban công Cung điện Buckingham, theo dõi màn trình diễn máy bay dài khoảng 6 phút của không quân Anh. Đây là hoạt động cuối cùng của hoàng gia Anh trong ngày đăng quang.
Tuy nhiên, buổi bay trình diễn có thể bị hủy vì thời tiết xấu. Giới chức Anh sẽ ra quyết định cuối cùng vào 14h (20h giờ Hà Nội).
-
Diễu hành về Cung điện Buckingham
Sau khi lễ đăng quang kết thúc, Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla trở về Cung điện Buckingham trong "Lễ diễu hành Đăng quang", với cùng cung đường đã thực hiện khi đi đến Tu viện Westminster, trên cỗ xe ngựa Gold State Coach 260 năm tuổi.
Gold State Coach đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang kể từ thời Vua William IV năm 1831. Cỗ xe dài 7 m, cao 3,6 m, nặng 4 tấn, cần 8 con ngựa kéo. Đoàn diễu hành sẽ di chuyển với tốc độ chậm.
-
Đổi vương miện
Trong nghi thức cuối cùng của lễ đăng quang, Vua Charles III đổi từ Vương miện St Edward sang Vương miện Nhà nước Hoàng gia. Vua Charles III sau đó cầm theo quả cầu quốc chủ và Trượng Quốc chủ Thập tự rời Tu viện Westminster, trở về Cung điện Buckingham.
Vương miện Nhà nước Hoàng gia được chế tác năm 1937, phục vụ lễ đăng quang của Vua George VI, cha của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Vương miện cao 31,5 cm, nặng 1,06 kg, được nạm tổng cộng 2.868 viên kim cương, 269 viên ngọc trai, 17 viên ngọc bích, 11 viên ngọc lục bảo và 4 viên hồng ngọc, trong đó có những viên đá nổi tiếng nhất của hoàng gia, như hồng ngọc Black Prince, ngọc bích St Edward và viên kim cương Cullinan II.
Cullinan II là viên kim cương chính ở mặt trước vương miện, được cắt từ viên kim cương lớn nhất từng được phát hiện.
Hồng ngọc Black Prince và ngọc bích St Edward được cho là hai viên đá quý giá nhất trên vương miện. Chúng từng được hoàng gia Anh gỡ ra và giấu trong hộp bánh quy, chôn dưới đất để tránh lọt vào tay phát xít Đức trong Thế chiến II.
-
Hoàng hậu Camilla đăng quang
Sau nghi thức của Vua Charles III, tổng giám mục Welby thực hiện nghi thức đăng quang cho Hoàng hậu Camilla, trao vương miện Hoàng hậu Mary cùng các bảo vật hoàng gia cho bà. Khác với Vua Charles III, nghi thức của Hoàng hậu Camilla diễn ra ngay tại Ghế Di sản. Hoàng hậu Camilla sau đó tiến về ngai hoàng hậu, ngồi cạnh Vua Charles III trong tiếng hát của dàn hợp xướng.
Lễ phục của Hoàng hậu Camilla trong ngày đăng quang
Hoàng hậu Camilla sẽ mặc áo choàng thêu những họa tiết hoa và côn trùng nhằm thể hiện tình yêu thiên nhiên, khi xuất hiện cùng Vua Charles III trong ngày đăng quang.
-
Bắn đại bác
Đại bác được bắn tại 13 địa điểm trên khắp nước Anh, như Edinburgh, Cardiff và Belfast, và các tàu Hải quân Hoàng gia.
Tháp London là địa điểm bắn nhiều nhất, 62 phát đại bác. Quảng trường Diễu hành Kỵ binh bắn 6 phát còn những khu vực còn lại bắn 21 phát. Tu viện Westminster rung chuông để chào đón khoảnh khắc mang tính lịch sử.
-
Đội vương miện
Vua Charles III đeo găng tay bằng da trắng thêu chỉ vàng ở tay phải, cầm Trượng quốc chủ thập tự và Trượng quốc chủ bồ câu. Tổng giám mục Welby đặt Vương miện St Edward lên đầu Vua Charles III và hô lớn "Chúa phù hộ Nhà vua".
Vương miện St Edward được chế tạo vào năm 1661, cao 30 cm, làm từ vàng đúc liền, nạm hồng ngọc, thạch anh tím, ngọc bích, ngọc hồng lựu, đá topaz, đá cầu vồng và bọc nhung tím. Vành mũ là một dải lông chồn.
Vương miện vốn được chế tác cho Vua Charles II, người cầm quyền từ năm 1660 đến năm 1685. Những thế kỷ sau đó, vương miện chỉ được sử dụng trong các lễ đăng quang vì quá nặng. Các thợ kim hoàn hoàng gia đã làm nó nhẹ đi cho lễ đăng quang của Vua George V năm 1911, nhưng vẫn nặng tới 2,23 kg.
Lần gần nhất vương miện St Edward được sử dụng là trong lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II năm 1953. Điện Buckingham thông báo họ đã thay đổi kích thước vương miện để phù hợp với cỡ đầu của Vua Charles III.
Vua Charles III sau đó ngồi lên ngai vàng St Edward. Đây là chiếc ngai 700 tuổi đã được sử dụng trong các lễ đăng quang ở Anh nhiều thế kỷ qua, trong đó có những lần lên ngôi của Vua Henry VIII, Vua Charles I, Nữ hoàng Victoria hay Nữ hoàng Elizabeth II.
Tổng giám mục Welby và Thái tử William lần lượt quỳ xuống, bày tỏ lòng thành kính. Tổng giám mục Welby sau đó đọc lời thề trung thành với Vua Charles III để các khách mời nhắc lại. "Chúa phù hộ Nhà vua", Tổng giám mục Welby nói. "Chúa phù hộ Vua Charles", những người có mặt tại Tu viện Westminster hô vang.
Hai chiếc vương miện Vua Charles III đội trong ngày đăng quang
Vua Anh sẽ đội vương miện St Edward trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster và đổi sang vương miện Nhà nước Hoàng gia khi trở về Cung điện Buckingham.
-
Xức dầu thánh
Kết thúc lễ tuyên thệ, các binh sĩ hoàng gia Anh bố trí các tấm bình phong che chắn để Vua Charles III được xức dầu thánh lên tay, ngực và đầu. Nghi lễ này sử dụng chiếc thìa vàng được dùng trong mọi lễ đăng quang của vua và nữ hoàng Anh kể từ Vua James I năm 1603.
Vua Charles III khoác thêm Áo choàng Hoàng gia (Hoàng bào), làm bằng tơ dệt cùng với sợi vàng, gắn nhiều đồ trang sức quý. Phần khóa gài ở ngực được đúc theo hình một con đại bàng. Chiếc áo này nặng 4 kg.
Các bảo vật hoàng gia xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles III. Đồ họa: Telegraph
Chiếc thìa quý hơn vương miện trong lễ đăng quang Vua Anh
Bảo vật cổ xưa và quan trọng nhất trong lễ đăng quang của Vua Charles III là chiếc thìa bạc mạ vàng có niên đại từ thế kỷ 12.
Loạt lễ phục của Vua Anh trong lễ đăng quang
Vua Charles III sẽ xuất hiện với những trang phục mang tính biểu tượng trong lễ đăng quang, từ áo choàng vải lanh cho đến hoàng bào dệt bằng sợi vàng.