Vua Charles III, 74 tuổi, sẽ tổ chức lễ đăng quang ngày 6/5 tại Tu viện Westminster. Ông sẽ mặc lễ phục hoàng gia, đội vương miện và mang những bảo vật có tuổi đời hàng thế kỷ.
Theo Telegraph, loạt lễ phục mang đậm nét truyền thống là một phần không thể thiếu trong lễ đăng quang của Vua Charles III. Thứ tự lễ phục được lập trong cuốn sách cổ từ thế kỷ 14, được lưu giữ trong thư viện của Tu viện Westminster.
Vua Charles III dự kiến đến Tu viện Westminster trong bộ quân phục, trước khi thay lễ phục chính cho lễ đăng quang. Trước đó, mẹ ông là cố Nữ hoàng Elizabeth II đã mặc một chiếc váy chất liệu sa tanh trắng trong lễ đăng quang năm 1953.
Cung điện Buckingham ngày 1/5 thông báo ông sẽ mặc Áo choàng Nhà nước (Robe of State) màu đỏ thẫm khi bước vào Tu viện Westminster. Trang phục này còn được gọi là Áo choàng Quốc hội, bởi thường được quốc vương Anh sử dụng cho lễ khai mạc quốc hội nước này.
Trong nghi thức tấn phong, thời khắc quan trọng nhất của buổi lễ, Vua Anh sẽ ngồi trên ngai vàng St Edward và được xức dầu thánh, đội vương miện St Edward.
Lúc này, ông sẽ sử dụng lại các lễ phục đặc trưng trong 4 lễ đăng quang trước đó, gồm Colobium Sindonis, Supertunica, Áo choàng Hoàng gia, Găng tay và Đai kiếm Đăng quang.
Đầu tiên, ông sẽ mặc áo choàng vải lanh Colobium Sindonis màu trắng, tượng trưng cho lòng thanh khiết trước Chúa, khi xức dầu thánh. Trang phục Colobium Sindonis được Nữ hoàng Elizabeth II mặc khi đăng quang là váy xếp ly bằng vải lanh trắng.
Sau khi được xức dầu, Vua Anh sẽ mặc áo choàng liền thân Supertunica dài tay, làm bằng lụa vàng. Áo lấy cảm hứng từ lễ phục Kitô giáo sơ khai và Đế chế Byzantine, có phù hiệu các vùng lãnh thổ Vương quốc Liên hiệp Anh. Vua Charles III sẽ đeo Đai kiếm Đăng quang bên ngoài để cố định lễ phục này.
Sau đó, Tổng Giám mục chủ trì lễ sẽ trao thanh bảo kiếm trên bàn thờ Tu viện để gắn vào đai và tuyên bố thanh kiếm này nên được sử dụng để bảo vệ cái thiện và trừng phạt cái ác. Vua cũng đeo găng tay bằng da trắng thêu chỉ vàng ở tay phải, tượng trưng cho lời nhắc nhở duy trì chính sách thuế ôn hòa.
Vua Charles III sau đó sẽ khoác thêm Áo choàng Hoàng gia (Hoàng bào), làm bằng tơ dệt cùng với sợi vàng, gắn nhiều đồ trang sức quý. Phần khóa gài ở ngực được đúc theo hình một con đại bàng.
"Chiếc áo khá nặng do được dệt từ sợi vàng", Caroline de Guitaut, người giám sát bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của hoàng gia Anh, nói. Theo BBC, chiếc áo này nặng khoảng 4 kg. Đây là lễ phục lâu đời nhất được sử dụng trong Lễ đăng quang.
Bên ngoài Áo choàng Hoàng gia, Nữ hoàng Elizabeth II từng mang thêm Dải lụa vàng Hoàng gia (Stole Royal) bằng vàng có tua rua hai đầu, thêu phù hiệu các quốc gia, tôn giáo và khối thịnh vượng chung bằng chỉ vàng và chỉ màu.
Dù được làm mới cho lễ đăng quang của Nữ hoàng năm 1953, hình thức của nó hầu như không thay đổi so với thời trung cổ. Vua Charles III có thể sử dụng lại chiếc của mẹ, hoặc thiết kế một chiếc mới.
Cuối buổi lễ, tân vương sẽ bước ra khỏi Tu viện và khoác lên mình Áo choàng Đế vương để trở về Điện Buckingham. Ông cũng sẽ thay vương miện St Edward bằng vương miệng Nhà nước Hoàng gia, mang Vương trượng và Quả cầu Hoàng gia.
Nữ hoàng Elizabeth II từng cân nhắc sử dụng Áo choàng của cha mình là Vua George IV, nhưng đã quyết định thiết kế một chiếc mới. Áo choàng của Nữ hoàng sử dụng 18 loại chỉ vàng, được 12 thợ thêu chế tác trong hơn 3.500 giờ năm 1953.
Điện Buckingham xác nhận Vua Charles III sẽ sử dụng Áo choàng Đế vương làm bằng nhung màu tím, thêu chỉ vàng của ông ngoại. Thợ may ở Ede và Ravenscroft đã trùng tu và chuẩn bị chiếc áo choàng này cho lễ đăng quang, thêu thêm nhiều loại côn trùng, cây cỏ, tượng trưng cho tình cảm của Vua Charles III với thiên nhiên.
Đức Trung (Theo Telegraph)