Trung Quốc có tiến bộ công nghệ và kỹ thuật hàng đầu thế giới, còn Hàng Châu cũng là thành phố nổi tiếng thế giới về nghiên cứu khoa học. Vì thế, lễ khai mạc trên sân Olympic nêu bật thế mạnh của chủ nhà ở khoa học công nghệ, nhưng cũng không quên giới thiệu cho bạn bè quốc tế về nền văn hóa sông nước vùng Giang Nam. Họ cũng mạnh dạn phá bỏ những truyền thống của các đại hội thể thao, đặc biệt là bắn pháo hoa bằng ánh sáng điện tử với mục đích truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường.
Lễ khai mạc diễn ra khoảng 120 phút, trong đó một phần ba thời lượng dành cho các tiết mục nghệ thuật, một phần ba cho lễ diễu hành và phần còn lại dùng cho các nghi thức truyền thống như châm đuốc hay phát biểu của quan chức đại diện cho Ban tổ chức hay Uỷ ban Olympic châu Á.
Việt Nam góp 504 thành viên, trong đó có 337 VĐV và 90 HLV. Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng và xạ thủ Nguyễn Thị Hường cùng nhau cầm cờ của đoàn khi bước vào sân diễu hành. Dù phải đứng ngoài chờ lâu, các VĐV đều rạng rỡ khi những người diễu hành không cần thi đấu ngày mai. Khi đoàn bước vào sân, sân Hàng Châu với khoảng 80.000 khán giả vang lên những tiếng hô rộn rã. Chủ nhà Trung Quốc dĩ nhiên được chào đón vang vọng nhất, nhưng Ấn Độ hay Đài Loan cũng được cổ vũ nhiệt tình không kém nhiều.
Afghanistan diễu hành đầu tiên, theo thứ tự bảng chữ cái, và họ cũng ẩn chứa điều đặc biệt. Thành phần của đoàn này có 130 VĐV nam bay từ Afghanistan đến, và 17 VĐV nữ tới từ khắp nơi trên thế giới. Nguyên nhân là chính phủ Afghanistan hiện cấm công dân nữ tham gia các hoạt động thể thao. Tuy nhiên, vẫn có 17 VĐV nữ sinh sống ở nước ngoài muốn khoác lên lá cờ Afghanistan dự Đại hội.
Tiết mục nghệ thuật do ông Sa Hiểu Lan làm tổng đạo diễn. Ông từng làm trợ lý đạo diễn Trương Nghệ Mưu tại lễ khai mạc và bế mạc Olympic Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh. Chủ đề của chương trình khai mạc Asiad lần này là nước, vì thế màu sắc chủ đạo là xanh dương.
Hàng Châu là thành phố lớn thứ 11 Trung Quốc theo dân số, với khoảng 8 triệu người. Những thành phố lớn ở Trung Quốc hầu hết được hình thành bên bờ các con sông nổi tiếng, như sông Trường Giang, Hoàng Hà, Hắc Long Giang hay Châu Giang. Hàng Châu nằm ở tỉnh Chiết Giang, được con sông Tiền Đường bồi đắp. Vì thế giữa sân khấu lễ khai mạc có một màn hình tròn đường kính vài chục mét, để hiển thị cảnh sông nước đặc trưng của chủ nhà, với liên tục hiệu ứng 3D. Họ coi nước là "trái tim và tâm hồn" của Hàng Châu.
Tiết mục đầu tiên được đặt tên là Nước trong Ánh sáng Mùa thu. Hàng nghìn người biểu diễn, với sắc xanh chủ đạo, trong đó có những cô gái mặc váy và múa cùng những lá cờ tạo hình thủy triều. Tiết mục sau đó cũng nhấn vào sự tiến bộ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, như công nghệ sinh học thân thiện với môi trường, hay trí tuệ nhân tạo. "Những đợt thủy triều mọi người chiêm ngưỡng trong lễ khai mạc là biểu tượng của sông Tiền Đường. Nó cũng là sức sống của thể thao, tinh thần của người dân tỉnh Chiết Giang và nhịp đập của thời đại", đạo diễn Sa nói trước lễ khai mạc.
Chương trình nghệ thuật cũng xuất hiện những hình ảnh đặc trưng văn hóa sông nước bản địa, nhưng quen thuộc với người Việt Nam, nổi bật là hoa sen. Sân Hàng Châu được thiết kế như bông hoa sen khổng lồ, với 28 cánh to và 27 cánh nhỏ đan xen vào nhau.
Giữa chương trình, ba linh vật Đại hội hiện diện và nhảy múa, là Tông Tông, Thần Thần và Liên Liên. Tông Tông màu vàng, tượng trưng cho màu của đất và vụ mùa bội thu. Liên Liên màu xanh lá cây, lấy cảm hứng từ lá sen, tượng trưng cho cuộc sống và thiên nhiên. Còn Thần Thần màu xanh lam, đại diện cho khoa học, công nghệ.
Các linh vật này được được gọi chung là Ký ức Giang Nam. Giang Nam chỉ vùng đất phía nam sông Trường Giang, với những thành phố lớn như Nam Kinh, Thường Châu, Tô Châu hay Hàng Châu. Nhưng thiết kế của linh vật mang hướng hiện đại, giống như những người máy.
Theo nghiên cứu của Viện Chính sách Chiến lược Australia tháng 3/2023, Trung Quốc tiến bộ hơn Mỹ ở 37 trong 44 lĩnh vực công nghệ. Còn Hàng Châu là thành phố lớn của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về nghiên cứu khoa học. Họ cũng đứng vị trí 19 thế giới về số lượng ấn phẩm khoa học. Chủ nhà cũng không ngần ngại thể hiện những hiệu ứng công nghệ trong buổi lễ, như pháo hoa điện tử không khói thay thế cho pháo hoa truyền thống, hiệu ứng thủy triều dâng hay sóng vỗ 3D, và màn thắp đuốc kỹ thuật số.
Một điểm mới của lễ khai mạc Asiad 19 là chủ nhà không bắn pháo hoa có khói vào cuối chương trình, dù là nước phát minh ra pháo hoa. Lý do Trung Quốc đưa ra là họ muốn tổ chức một lễ khai mạc "xanh" nhất có thể, và pháo hoa có thể tạo ra nhiều khó CO2 gây ô nhiễm môi trường.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc thải ra 27% lượng khí CO2 toàn cầu, và một phần ba lượng khí nhà kính. Chủ tịch Tập Cận Bình đặt mục tiêu từ năm 2030 sẽ giảm lượng khí CO2, và đến năm 2060 đạt trung hòa carbon, tức là lượng khí thải ra sẽ tương đồng với lượng khí triệt tiêu để không ảnh hưởng tới môi trường. Họ sẵn sàng loại bỏ truyền thống của các Đại hội thể thao, để nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ bầu không khí.
Cũng vì một chương trình "Xanh", ban tổ chức thắp đuốc theo kiểu kỹ thuật số. VĐV thật dùng đuốc châm vào một cái vạc nhỏ, cùng thời điểm VĐV ảo khổng lồ được được tạo ra trên một màn hình lớn châm đuốc lên cái vạc ở cao hơn. Ngọn đuốc Asiad bốc cháy, cũng như tuyên bố khai mạc của ông Tập, mở màn cho Đại hội.
Asiad 19 diễn ra tại Hàng Châu và năm thành phố khác ở Chiết Giang, từ 23/9 đến 8/10/2023, có khoảng 12.000 VĐV từ 45 quốc gia, tranh 481 bộ huy chương từ 40 môn thể thao.
Việt Nam đặt mục tiêu giành từ hai đến năm HC vàng, trong đó các môn được kỳ vọng là cầu mây, bắn súng, karatedo và boxing.
Hoàng An
Xem diễn biến chính