Thể thao
Thứ hai, 9/10/2023, 16:06 (GMT+7)

Những VĐV Đông Nam Á tiêu biểu tại Asiad 19

Xạ thủ Phạm Quang Huy góp mặt trong danh sách những VĐV Đông Nam Á thi đấu xuất sắc và giành HC vàng tại Asiad 19.

Arpichaya Yubol. Phong độ xuất thần của golfer 21 tuổi Arpichaya Yubol giúp Thái Lan giành HC vàng cả hai nội dung nữ của môn golf tại Asiad 19. Chiến thắng của Yubol càng thêm đặc biệt khi cô thắng ngược đối thủ Ấn Độ Aditi Ashok dù trước vòng cuối, Ashok dẫn ở điểm -22, trong khi Yubol -15.

Điểm -19 của Yubol ở nội dung cá nhân nữ cũng tạo tiền đề để Thái Lan giành HC vàng đồng đội nữ trong ngày 1/10. Với hai HC vàng, golf là một trong những môn Thái Lan bất ngờ vượt chỉ tiêu tại Hàng Châu.

Muhammad Sejahtera Dwi Putra. Trong 7 HC vàng Indonesia giành được tại Asiad 19, có hai thuộc về xạ thủ Dwi Putra. Sau khi giành HC bạc 5 năm trước tại quê nhà, anh làm nên lịch sử khi giúp bắn súng Indonesia lần đầu vô địch châu lục.

Chiến thắng đầu tiên Dwi Putra là ở nội dung 10m súng trường mục tiêu di động nam, mở hàng HC vàng cho Indonesia vào ngày 25/9. Một ngày sau, anh tiếp tục vô địch nội dung 10m súng trường hơi mục tiêu di động hỗn hợp nam. Dwi Putra là VĐV Đông Nam Á duy nhất giành hai HC vàng cá nhân tại Asiad 19.

Rahmat Erwin Abdullah. Nếu bình chọn chiến thắng ấn tượng nhất của một VĐV Đông Nam Á tại Asiad 19, đô cử Indonesia Rahmat Erwin sẽ là ứng viên nặng ký. Anh lập kỷ lục Asiad khi giành HC vàng hạng 73kg nam với tổng cử 359 kg. Ấn tượng hơn, Rahmat Erwin còn phá kỷ lục thế giới cử đẩy hạng cân này với 201 kg.

Trước phong độ đỉnh cao của Rahmat Erwin, đô cử Thái Lan 19 tuổi Weeraphon Wichuma chỉ giành bạc dù thi đấu ấn tượng với tổng cử 351 kg. Thành tích của Wichuma xác lập kỷ lục trẻ thế giới ở hạng cân này và anh cũng phá kỷ lục cử đẩy cũng như tổng cử Asiad nhưng không đủ.

Sivasangari Subramaniam. Bóng quần là mỏ vàng của Malaysia tại Asiad 19. Ba trong sáu HC vàng nước này giành được ở Hàng Châu đến từ môn này. Trong đó, Subramaniam góp công vào hai tấm HC vàng đơn nữ và đồng đội nữ.

Trên đường vào chung kết đơn nữ, VĐV sinh năm 1999 thắng ba trận mà không thua set nào. Ở chung kết, tuy hai lần bị đối thủ Hong Kong Sin Yuk Chan dẫn trước, Subramaniam thắng ngược 3-2. Ở nội dung đồng đội nữ, Subramaniam cũng là cảm hứng đưa Malaysia đến chức vô địch. Cô thắng bốn trận đều với tỷ số 3-0.

Hành trình vô địch của Subramaniam còn tạo cảm hứng, bởi cô từng bị thương sau một vụ tai nạn giao thông vào năm 2022 và phải mang nẹp cổ trong hai tháng.

Đội tuyển bóng rổ nam Philippines. Đánh bại Jordan với tỷ số 70-60 ở chung kết, Philippines giành HC vàng bóng rổ đầu tiên tại Asiad kể từ năm 1962.

Chiến thắng được 110 triệu người dân Philippines mong chờ. Quốc gia Đông Nam Á này nổi tiếng vì sự cuồng nhiệt dành cho bóng rổ. Nhiều CĐV Philippines chưa quên Asiad 1998, khi đội tuyển nước này lỡ hẹn chung kết và chỉ giành HC đồng.

Trong đội hình Philippines vô địch Asiad, Justin Brownlee là ngôi sao số một. Ở trận chung kết, anh ghi nhiều điểm nhất (20), ở trên sân lâu nhất 38 phút, 25 giây và góp năm kiến tạo.

Ernest John Obiena. Sau khi đoạt HC bạc ở giải vô địch điền kinh thế giới, ngôi sao nhảy sào Ernest John Obiena không khiến người hâm mộ thất vọng khi giành HC vàng đầu tiên cho Philippines tại Asiad 19.

Thành tích 5,90m giúp Ernest John Obiena phá kỷ lục Asiad. Tuy nhiên, điều đáng tiếc với VĐV 27 tuổi là anh không thể phá kỷ lục châu Á do chính bản thân nắm giữ (6,00m). Ở phần thi chung kết, Ernest John Obiena bỏ xa thành tích 5,65m của hai VĐV giành bạc Huang Bokai (Trung Quốc) và Hussain Asim Al-Hizam (Arab Saudi). Nhưng ba lần thử sức với mức 6,02m, anh đều thất bại.

Veronica Shanti Pereira. Chiều 1/10, Shanti Pereira làm nên lịch sử khi giành HC bạc 100m nữ. Đây là huy chương nội dung chạy đầu tiên của Singapore tại Asiad sau 49 năm.

Nhưng VĐV 27 tuổi còn làm được nhiều hơn thế. Một ngày sau, cô về nhất chung kết 200m nữ với thành tích 23,03 giây. Đây là HC vàng điền kinh đầu tiên của Singapore tính từ khi Chee Swee Lee vô địch 400m nữ ở Asiad Tehran 1974.

HC vàng Asiad 19 khép lại một năm thành công của Shanti Pereira. Trong năm 2023, cô sáu lần phá kỷ lục quốc gia do bản thân nắm giữ, đồng thời giành cú đúp HC vàng cự ly ngắn tại SEA Games cũng như giải vô địch điền kinh châu Á.

Phạm Quang Huy. Với chiến thắng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam, xạ thủ sinh năm 1996 Phạm Quang Huy giành HC vàng đầu tiên cho Việt Nam tại Asiad 19 và cũng là HC vàng cá nhân duy nhất của đoàn. Đạt 240.5 điểm sau 24 viên đạn, anh đánh bại đối thủ Hàn Quốc Lee Won-ho với khoảng cách 1.1 điểm.

Quang Huy là con của cặp vợ chồng xạ thủ nổi tiếng Việt Nam Phạm Cao Sơn – Đặng Thị Hằng. Anh sống cùng bố mẹ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia I (Nhổn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong bảy năm thời còn nhỏ và được bố hướng dẫn bắn súng. Sau khi lên đội tuyển, Quang Huy được huấn luyện bởi nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh.

Đội tuyển cầu mây nam Myanmar. Myanmar chỉ giành tổng cộng ba huy chương tại Asiad 19. Bên cạnh hai HC đồng ở môn đua thuyền rồng, tấm HC vàng cầu mây nhóm 4 nam mang ý nghĩa quý giá với quốc gia này bởi 5 năm trước, Myanmar không giành HC vàng nào tại Jakarta.

Ở chung kết, Myanmar thắng trắng hai set trước Indonesia với tỷ số 21-13 và 24-22. Đây là kết quả bất ngờ bởi trước đó hai ngày, họ thua đối thủ này 0-2 ở vòng bảng.

Ảnh: AP, Reuters, AFP