-
10h20
Người dân chia tay đội diễu binh
Kết thúc lễ diễu binh diễu hành, khi chiến sĩ lên xe ra về, các em bé Điện Biên đã lưu luyến chia tay. Nhiều tháng nay, người dân cũng như chính quyền tỉnh đã tổ chức tu sửa di tích, nâng cấp đường sá, chỉnh trang nhà cửa... để đón du khách và đoàn diễu binh.
-
10h10
Chiến sĩ và người dân nắm tay múa điệu xòe hoa
Kết thúc 2 tiếng diễu binh qua sân vận động và nhiều di tích lịch sử, tới cuối đường Võ Nguyên Giáp, nhóm nữ quân nhạc cùng người dân nắm tay nhau múa điệu xòe hoa. Một số bé chụp ảnh với chiếc xe thồ mô phỏng của đội dân công hỏa tuyến 70 năm trước.
-
10h00
Muôn kiểu xem diễu binh
Trên khắp tuyến đường Hoàng Văn Thái, Võ Nguyên Giáp, nơi đoàn diễu binh đi qua, hàng nghìn người dân đứng hai bên theo dõi, trong đó có du khách nước ngoài. Nhiều người dùng điện thoại ghi lại hình ảnh 10 năm mới có một lần ở Điện Biên Phủ.
-
09h50
Khối dân sự diễu hành qua tượng đài chiến thắng
Sau khi đi qua di tích đồi A1, quảng trường 7/5 trên đường Võ Nguyên Giáp, các khối diễu binh tiến về tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Người dân đứng hai bên chào đón đoàn diễu hành.
-
9h40
Trẻ nhỏ bắt tay "tiếp sức" chiến sĩ đội hậu cần
Đi bên cạnh đoàn diễu binh diễu hành là đội hậu cần khoảng 5-7 người làm nhiệm vụ dẹp đường, xử lý sự cố. Khi đội hậu cần đi qua, người dân hai bên đường, đặc biệt là các em nhỏ vui vẻ bắt tay chú bộ đội.
-
9h30
Các khối công an diễu hành trên đường
Bước theo điều lệnh trên quãng đường hơn một km, đến ngã tư Hoàng Văn Thái - Võ Nguyên Giáp, các khối diễu binh rẽ về ba hướng. Đội hình rẽ phải sẽ ngang qua các di tích đồi A1, quảng trường 7/5, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ; hướng đi thẳng qua cầu A1; hướng rẽ trái đi qua Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mỗi tuyến diễu binh khoảng 3-4 km.
-
9h20
Các khối quân đội diễu binh trên đường Hoàng Văn Thái
Khối hồng kỳ dẫn đầu các khối diễu binh, diễu hành từ sân vận động Điện Biên ra đường Hoàng Văn Thái. Dọc tuyến đường này, các khối ngang qua di tích đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ, đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ A1. Đây là lần đầu tiên khối nữ quân nhạc xuất hiện trong lễ diễu binh, diễu hành. Một số chiến sĩ phải mang các nhạc cụ như kèn nặng 14-18 kg.
-
9h10
Các khối nghi trượng và đội hình diễu binh trên đường
Từ sân vận động Điện Biên, đoàn diễu binh diễu hành tiến ra đường Hoàng Văn Thái, con đường mang tên tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Người dân đứng kín hai bên vỗ tay, vẫy cờ khi từng khối diễu binh đi qua.
-
9h05
Khối thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tiến vào lễ đài
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 20.000 thanh niên xung phong tham gia mở đường, vận tải vũ khí, khí tài, lương thực, thương bệnh binh, rà phá bom mìn trên các trọng điểm khốc liệt. Hơn 8.000 thanh niên xung phong chuyển sang các đơn vị Quân đội để đáp ứng yêu cầu chiến dịch, sát cánh cùng bộ đội trên các mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và đại thắng mùa xuân năm 1975, được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối Dân công hỏa tuyến tiến vào lễ đài. Đáp lời Hồ Chủ tịch kêu gọi "Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc", 30.000 nam thanh, nữ tú xung phong vào dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ để mở đường, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thương bệnh binh.
Tiếp sau là các khối công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ nữ. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, tạo dựng nên truyền thống "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang". 9 năm kháng chiến chống Pháp, hàng chục nghìn phụ nữ tham gia dân quân, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
Tiếp sau là khối các dân tộc Tây Bắc tiến vào lễ đài. Tây Bắc có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nơi cư trú của trên 20 dân tộc anh em. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Tây Bắc là hậu phương vững chắc, là căn cứ hậu cần trực tiếp.
Cuối cùng là khối Nghệ thuật tiến vào lễ đài. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đội ngũ văn nghệ sĩ đã có mặt trên các chiến trường khốc liệt nhất, đến từng chặng hành quân, từng trận địa pháo, từng chiến hào và trạm xá, sát cánh cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong để biểu diễn cổ vũ, động viên góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
-
9h00
Các lực lượng công an tiến vào lễ đài
Xe Chỉ huy, xe Tổ Cờ truyền thống Công an tiến vào lễ đài. Dẫn đầu là xe chỉ huy của Thiếu tướng Lê Văn Hà, Phó tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tiếp theo là Tổ Cờ truyền thống của lực lượng Công an nhân dân.
Theo sau là khối nam sĩ quan An ninh nhân dân. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, lực lượng An ninh nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, gắn bó mật thiết và huy động sức mạnh của nhân dân, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động tình báo, gián điệp, bảo vệ an toàn chính quyền cách mạng non trẻ.
Lực lượng An ninh nhân dân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiếp theo là khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Đây là lực lượng trực tiếp chiến đấu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đã dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Khối nữ sĩ quan Cảnh sát Giao thông; nam sĩ quan Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; khối nam sĩ quan Cảnh sát cơ động lần lượt tiến vào lễ đài.
Khối nữ chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm tiến vào lễ đài. Đây là lực lượng tham gia nhiều chuyên án đấu tranh trấn áp tội phạm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Khối nam chiến sĩ Cảnh sát đặc nhiệm là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu cao, cơ động nhanh để đấu tranh ngăn chặn, trấn áp kịp thời các loại tội phạm khủng bố, không tặc, bắt cóc con tin, truy bắt các đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm.
Tiếp theo là khối Cảnh sát cơ động Kỵ binh. Mới được thành lập, song Cảnh sát cơ động kỵ binh đã tham gia và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ tuần tra, diễu hành tại các thành phố, điểm du lịch, các sự kiện quan trọng của đất nước và các sự kiện mang tầm quốc tế.
Khối Hồng kỳ tiến vào Lễ đài. Đây là biểu tượng sức mạnh của đất nước Việt Nam, phát huy truyền thống cách mạng, hào khí anh hùng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Khối Cựu chiến binh Việt Nam - đại diện cho lớp người có những năm tháng chiến đấu oanh liệt, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.