Quan chức Ai Cập ngày 20/12 thông báo nhóm Hamas đã từ chối đề xuất ngừng bắn một tuần của Israel để đổi lấy thêm 40 con tin gồm chủ yếu phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Nỗ lực đàm phán bước đầu rơi vào bế tắc, khi Hamas cùng các đồng minh của nhóm muốn một thỏa thuận đáng giá hơn.
Trước đó, Tel Aviv gửi đề xuất cho Hamas thông qua Qatar, trung gian đàm phán con tin chủ chốt trong thỏa thuận hồi tháng 11 và là nơi Hamas đặt văn phòng chính trị. Tuy nhiên, cuộc đàm phán hiện nay nhiều khả năng tập trung tại Ai Cập, nơi thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh đến thăm vào ngày 20/12 và thông báo từ chối phương án ngừng bắn do Israel đưa ra.
Theo tiết lộ từ giới chức Ai Cập, ông Haniyeh ra điều kiện tương tự thỏa thuận tháng 11, gồm yêu cầu ngừng bắn và tăng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza. Một quan chức Israel tiết lộ rằng Hamas lần này đòi Tel Aviv thả thêm "nhiều tù nhân quan trọng hơn thỏa thuận trước đó".
Các lãnh đạo Hamas từng tuyên bố họ chỉ chấp nhận thả thêm con tin nếu Israel đồng ý "ngừng bắn lâu dài", song những thông tin được các bên trung gian tiết lộ cho thấy nhóm vẫn cân nhắc thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn.
Tuy nhiên, cục diện đàm phán lần này trở nên phức tạp hơn, khi xuất hiện nhân tố mới là tổ chức Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ), được cho là đồng minh của Hamas và đã tham gia vào cuộc tấn công Israel vào ngày 7/10 cũng như đang giam nhiều con tin Israel.
PIJ đặt ra hai yêu sách: Chỉ chấp nhận đối thoại nếu Israel ngừng bắn trước, sau đó cân nhắc thả hơn 100 con tin đang có trong tay, đổi lại Israel phải phóng thích toàn bộ số tù nhân Palestine mà họ đang giam, ước tính khoảng 5.000 người.
Hamas đã nhiều lần tuyên bố họ không kiểm soát toàn bộ con tin bị bắt cóc từ Israel và đưa vào Dải Gaza trong cuộc đột kích ngày 7/10.
Khi phái đoàn Hamas đến Moskva, Nga vào cuối tháng 10, thành viên cấp cao của tổ chức này đã thừa nhận với Điện Kremlin họ cần thời gian để xác định vị trí 8 con tin mang hộ chiếu Nga, nhưng đến nay mới trả tự do được cho ba người vào cuối tháng 11. Lệnh ngừng bắn với Israel hết hiệu lực vào ngày 1/12 cũng do Hamas không thể cung cấp thêm cho Israel danh sách con tin theo đúng thỏa thuận gia hạn trước đó.
Giới chức Ai Cập tin rằng nỗ lực đàm phán con tin lần này vẫn chưa sụp đổ hoàn toàn, dù Hamas cùng đồng minh từ chối đề xuất ban đầu từ Israel. Họ đánh giá các lực lượng tại Dải Gaza đang muốn tạo thêm áp lực với chính phủ Israel, nhằm tìm kiếm thêm nhượng bộ từ đối phương trên bàn đàm phán.
Một quan chức Israel thừa nhận đại diện hai phe khó tìm được tiếng nói chung trong tương lai gần và mỗi bên vẫn cân nhắc những lựa chọn của riêng mình. Dù vậy, việc các bên chấp nhận đối thoại đã là tín hiệu lạc quan.
"Hamas đang cố tạo ra áp lực tâm lý và tìm kiếm điểm yếu của Israel", Ilan Lotan, cựu quan chức cơ quan tình báo Shin Bet tại Tel Aviv, nhận định. "Hamas dường như đang đặt ra những điều kiện mà Israel khó lòng chấp thuận".
Bản thân Hamas cũng đang chịu áp lực rất lớn từ chiến dịch tấn công trên bộ của Israel ở Gaza. Quân đội Israel đã đẩy mạnh mũi tiến công ở phía nam dải đất, với trọng tâm là Khan Younis, thành phố lớn thứ hai trong khu vực. Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn cho rằng áp lực quân sự là yếu tố cần thiết để buộc Hamas thả thêm con tin, tương tự thỏa thuận tháng trước.
Giới chức Israel nhiều lần khẳng định họ không từ bỏ mục tiêu tối thượng là xóa sổ hoàn toàn Hamas cùng các lực lượng vũ trang thù địch trên Dải Gaza. Quân đội Israel đang chạy đua với thời gian để khép vòng vây Khan Younis, nơi được cho là "thành trì" trọng yếu của đối thủ và thủ lĩnh quân sự Hamas Yahya Sinwar đang ẩn náu.
Quân đội Israel đã tuyên bố sẽ quyết truy tìm và hạ Sinwar, người được coi là kiến trúc sư trưởng của chiến dịch đột kích ngày 7/10. Họ lo ngại vuột mất cơ hội bắt nhóm thủ lĩnh Hamas nếu thỏa thuận ngừng bắn kéo dài.
"Khi quân đội Israel bao vây Khan Younis, các thủ lĩnh Hamas có thể chạy về thành phố Rafah. Khi đó, họ có thể thực hiện kế hoạch tẩu thoát sang Ai Cập qua hệ thống địa đạo", Jacon Nagel, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nhận định.
Trong khi đó, Ghazi Hamad, thành viên văn phòng chính trị Hamas tại Qatar, nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera rằng tổ chức này sẽ không chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn ngắn hạn đổi lấy con tin, để rồi Dải Gaza tiếp tục chìm trong bom đạn.
"Israel sẽ dùng chiến thuật cũ để giải thoát con tin, sau đó họ lại khởi động một đợt tấn công mới nhắm vào người dân Gaza. Chúng tôi sẽ không sa bẫy", Hamad nói.
Giới chức Israel ước tính còn khoảng 128 con tin bị các nhóm vũ trang giam tại Dải Gaza, trong đó chưa rõ số con tin còn sống sót. Quân đội Israel giải cứu được một con tin và tìm thấy 8 thi thể trong hơn hai tháng tiến công tại Dải Gaza. Ba con tin thiệt mạng ở Gaza City trong sự cố bắn nhầm của lính Israel vào giữa tháng này.
Hamas đã thả 109 người, để đổi lấy việc Israel phóng thích 240 tù nhân Palestine, phần lớn là phụ nữ và trẻ vị thành niên, với nhiều trường hợp bị giam trong nhiều tháng không qua xét xử.
Theo Beth Sanner, cựu phó giám đốc an ninh quốc gia Mỹ, hiện là chuyên gia phân tích tình báo cho CNN, Hamas cùng đồng minh đang có nhiều lợi thế hơn Israel trong cuộc đàm phán này. Họ sẽ thu được nhiều lợi ích hơn nếu tiếp tục trì hoãn thỏa thuận trong thời gian nhất định, vì điều đó sẽ tăng thêm chỉ trích của cộng đồng quốc tế nhắm vào Israel và khiến dư luận nước này thêm chia rẽ sâu sắc.
"Các cuộc biểu tình đòi chính phủ Israel ưu tiên giải cứu con tin giờ đây diễn ra hàng ngày ở Tel Aviv. Áp lực quốc tế lên chính quyền Netanyahu đang cao nhất từ trước đến nay", bà nhận định.
Thanh Danh (Theo WSJ, AFP, CNN, Times of Israel)