Sau gần 3 tháng bùng phát, xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas chưa có dấu hiệu chấm dứt. Gần 21.000 người đã thiệt mạng và 55.000 người bị thương trong các cuộc giao tranh khốc liệt ở dải đất.
Ai Cập, quốc gia có quan hệ tốt với cả Israel lẫn Hamas, đã nỗ lực làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa hai bên xung đột, với thành tựu đáng kể nhất là lệnh ngừng bắn một tuần hồi cuối tháng 11, giúp hơn 100 con tin được phóng thích khỏi Dải Gaza. Tuy nhiên, chiến sự sau đó nối lại với mức độ khốc liệt hơn và lan sang các khu vực đông dân cư ở Nam Gaza.
Trong bối cảnh đó, giới chức Ai Cập trong cuộc gặp phái đoàn Hamas ở thủ đô Cairo ngày 23/12 đã đưa ra kế hoạch hòa bình ba giai đoạn, theo hãng tin Asharq News của Arab Saudi. Các nguồn tin cho hay kế hoạch đầy tham vọng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza này cũng đã được Ai Cập trình bày với Israel, Mỹ, Qatar và các chính phủ châu Âu.
Theo kế hoạch, Ai Cập đề xuất lệnh ngừng bắn hai tuần, trong đó nhóm Hamas thả khoảng 40-50 con tin gồm phụ nữ, người già và người bệnh, để đổi lấy tự do cho khoảng 120-150 tù nhân Palestine bị giam ở các nhà tù Israel. Trong thời gian dừng giao tranh, viện trợ nhân được được phép vào Gaza.
Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục trong khoảng thời gian đó để gia hạn lệnh ngừng bắn và thả thêm con tin, theo quan chức Ai Cập giấu tên. Ai Cập và Qatar sẽ làm việc với tất cả các phe phái người Palestine, trong đó có Hamas và Chính quyền Palestine ở Bờ Tây, để đạt thỏa thuận về thiết lập chính phủ mới.
Trong giai đoạn ba, một chính phủ kỹ trị sẽ được thành lập nhằm kiểm soát cả Dải Gaza và Bờ Tây trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, khi người Palestine tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống.
Israel và Hamas cũng sẽ thảo luận về "thỏa thuận toàn diện" để trả tự do cho tất cả con tin còn lại ở Gaza cùng tất cả tù nhân Palestine ở Israel, theo quan chức Ai Cập. Thỏa thuận cũng sẽ yêu cầu Tel Aviv rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Gaza và Hamas ngừng nã rocket vào lãnh thổ Israel.
Cựu phóng viên NBC News Martin Fletcher nhận định đề xuất của Ai Cập là "kế hoạch toàn diện đầu tiên" trong nỗ lực chấm dứt xung đột Israel - Hamas và mô tả đó như "tia sáng" trong cuộc khủng hoảng khu vực. Theo Fletcher, kế hoạch hòa bình ba giai đoạn này là cơ hội tốt nhất để mở cánh cửa đối thoại giữa hai bên, nhằm chấm dứt cuộc xung đột khốc liệt đang gây thảm họa nhân đạo ở Gaza.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất với kế hoạch hòa bình này đến từ chính Israel và Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã tới thăm lực lượng tham chiến ở miền bắc Gaza ngày 25/12, dường như không mặn mà với sáng kiến do Ai Cập đề xuất.
Ông không bình luận trực tiếp về các bước trong kế hoạch, song nói với các thành viên trong đảng Likud của mình rằng sẽ quyết tâm thúc đẩy cuộc chiến của Israel ở Gaza. "Chúng ta sẽ mở rộng cuộc chiến trong những ngày tới và đây sẽ là trận chiến lâu dài. Nó chưa tới gần thời điểm kết thúc", ông nói.
Giới quan sát cho rằng đề xuất của Ai Cập không đáp ứng được mục tiêu cao nhất mà Israel đề ra là "xóa sổ" Hamas. Yêu cầu rút toàn bộ quân khỏi Gaza dường như cũng đi ngược lại quyết tâm của Israel là duy trì kiểm soát quân sự hậu xung đột ở dải đất.
Gershon Baskin, người từng thay mặt Israel đàm phán thỏa thuận thả con tin, nói rằng thỏa thuận này "thực sự là chiến thắng đối với Hamas và người Israel rất khó chấp nhận nó".
Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng phải đối mặt với áp lực lớn trong nước để đạt thỏa thuận giải cứu hơn 100 người Israel đang bị Hamas giữ ở Gaza. Khi ông cam kết tiếp tục cuộc chiến trong bài phát biểu trước quốc hội, nhiều gia đình con tin la ó và yêu cầu chính phủ hành động để người thân của họ được trở về nhà ngay lập tức.
Số binh sĩ Israel thiệt mạng trong chiến dịch ngày càng tăng cũng đe dọa làm suy yếu ủng hộ mạnh mẽ của công chúng với cuộc chiến. Quân đội Israel ngày 25/12 cho biết đã có tổng cộng 156 binh sĩ thiệt mạng ở Gaza, mức tổn thất nhân mạng lớn nhất mà quân đội nước này hứng chịu trong hàng chục năm qua.
Trước áp lực từ dư luận, nội các thời chiến Israel dường như đang xem xét đề xuất của Ai Cập và một nhóm bộ trưởng cấp cao dự kiến thảo luận về kế hoạch này vào tuần tới. Tuy nhiên, các quan chức Israel lưu ý rằng họ khó có thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Hamas duy trì quyền lực và ảnh hưởng ở Gaza hậu xung đột.
Danny Danon, nhà lập pháp trong đảng Likud của ông Netanyah, cho biết Israel sẵn sàng thảo luận về khuôn khổ đề xuất thả con tin. Đối với các đề xuất khác, ông Danon cho rằng Tel Aviv "quyết tâm đảm bảo rằng Hamas không phải là một phần trong bất kỳ thỏa thuận tương lai nào ở Gaza".
Hamas cũng có động thái từ chối đề xuất. Tối 25/12, nhóm đã phóng loạt rocket, làm kích hoạt hệ thống báo động không kích ở thành phố Ashkelon, miền nam Israel.
Hai nguồn tin an ninh Ai Cập cùng ngày cho biết các đại diện Hamas đã bác bỏ phương án buộc họ chia sẻ quyền lực ở Dải Gaza với Chính quyền Palestine tại Bờ Tây để đổi lấy lệnh ngừng bắn lâu dài.
Izzat Rishq, quan chức cấp cao của Hamas đang ở Qatar, tái khẳng định lập trường của nhóm rằng sẽ không đàm phán khi Israel chưa chấm dứt chiến dịch tại Gaza. Ông nói Hamas sẽ không chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời hoặc một phần trong khoảng thời gian ngắn, để rồi sau đó Israel lại tiếp tục tấn công.
Lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza Yahya Sinwar cũng bác bỏ kế hoạch hòa bình của Ai Cập. Trong thông điệp công khai đầu tiên kể từ khi chiến sự bùng phát, ông Sinwar nói Hamas đang tiến tới đánh bại lực lượng Israel và thêm rằng nhóm sẽ không tuân theo "các điều kiện chiếm đóng".
Islamic Jihad, nhóm vũ trang Palestine là đồng minh của Hamas ở Gaza, cũng đưa ra lập trường tương tự. Một phái đoàn của Islamic Jihad do thủ lĩnh Ziad al-Nakhala dẫn đầu đang ở Cairo để trao đổi với các quan chức Ai Cập về đề nghị trao đổi tù nhân cùng nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng chấp nhận kế hoạch hòa bình của Ai Cập.
Họ nhấn mạnh bất kỳ cuộc trao đổi tù nhân nào cũng phải dựa trên nguyên tắc "tất cả", nghĩa là thả tất cả tù nhân Palestine ở Israel để đổi lấy tự do cho tất cả con tin bị Hamas và Islamic Jihad giam ở Gaza.
Giới quan sát cho rằng Ai Cập và các bên trung gian sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để tìm ra công thức được các bên chấp thuận nhằm chấm dứt xung đột. Đây sẽ là thách thức rất lớn, bởi phản ứng lạnh nhạt ban đầu của Israel và Hamas với kế hoạch hòa bình cho thấy bất đồng giữa các bên đang lớn đến mức nào.
Thanh Tâm (Theo The Hill, LA Times, First Post, Reuters)