Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 25/7 triệu tập cuộc họp khẩn cấp sau khi nhận được báo cáo rằng một người đào tẩu tới Hàn Quốc ba năm trước đã quay trở về thành phố Kaesong, phía nam Triều Tiên, và có khả năng mang theo cả nCoV.
Giới chức Hàn Quốc ngày 27/7 xác nhận người đào tẩu này đã vượt biên quay lại Triều Tiên. Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết họ chưa ghi nhận người đàn ông đó là bệnh nhân Covid-19 và người này cũng chưa tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 nào. Tuy nhiên, cảnh sát địa phương cho hay anh ta đang bị điều tra với cáo buộc tấn công tình dục một người đào tẩu khác.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin người đào tẩu vượt biên về nước có các triệu chứng của Covid-19, song không cho biết anh ta đã được xét nghiệm hay chưa. Những người tiếp xúc gần với trường hợp nghi nhiễm đang được theo dõi và cách ly. Dù vậy, KCNA cảnh báo một "tình huống nguy hiểm" đang diễn tiến ở Kaesong và có thể dẫn tới "thảm họa chết người, hủy diệt".
Rất ít chuyên gia tin rằng Triều Tiên, quốc gia gần 25 triệu dân tiếp giáp Trung Quốc, có thể thoát khỏi ảnh hưởng của Covid-19, đại dịch đã lây nhiễm cho hơn 16 triệu người trên toàn thế giới và khiến gần 650.000 người thiệt mạng.
Có khả năng Triều Tiên không ghi nhận các ca nhiễm vì thiếu khả năng xét nghiệm hoặc họ đã thành công trong việc kiểm soát các ổ dịch nhỏ, tách biệt nên không báo cáo. Nhưng nếu trường hợp nghi nhiễm mới nhất được xác định dương tính nCoV, Covd-19 sẽ trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất mà Kim Jong-un phải đối mặt trong gần 9 năm lãnh đạo đất nước, giới chuyên gia nhận định.
nCoV đã cho thấy nó là một trong những thách thức khó khăn và phức tạp nhất đối với các lãnh đạo trên toàn thế giới, nhưng với Kim Jong-un, nó đặc biệt đáng lo ngại.
Giới quan sát cho rằng cơ sở hạ tầng y tế yếu kém của Triều Tiên khó lòng ứng phó nếu Covid-19 bùng phát ngoài tầm kiểm soát, khiến lượng bệnh nhân tăng vọt. Đây dường như là một lý do chính quyền Triều Tiên rất chủ động trong nỗ lực ngăn chặn virus.
Triều Tiên hồi tháng một đóng cửa biên giới sau khi Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, bất chấp việc họ sẽ phải chịu tổn thất nặng nề về kinh tế. Trước dịch, Triều Tiên đã hạn chế người nước ngoài tới quốc gia này. Dịch bùng phát, con số này gần như trở về 0. Chỉ các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài mới được phép nhập cảnh, nhưng phải trải qua quá trình kiểm tra y tế, cách ly nghiêm ngặt.
Các nguồn tin ngoại giao cho hay trên đường phố tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi đầu tháng, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang và tuân thủ cách biệt cộng đồng.
Nhưng có lẽ tất cả những biện pháp như vậy vẫn là chưa đủ. Khi nhận được thông tin về ca nghi nhiễm ở Kaesong, Kim Jong-un đã có phản ứng vô cùng nhanh chóng, ông lập tức ra lệnh phong tỏa Kaesong, cắt đứt mọi liên lạc giữa thành phố với phần còn lại của đất nước.
Hành động quyết đoán, cứng rắn của Kim Jong-un dường như bắt nguồn từ việc ông đã nhận thức được rõ ràng mối đe dọa nghiêm trọng mà virus gây ra đối với người dân, đồng thời rút kinh nghiệm từ những thảm kịch trong quá khứ.
Nạn đói những năm 1990 có lẽ là mối đe dọa lớn nhất mà Bình Nhưỡng từng phải đương đầu. Chính quyền Triều Tiên cho biết nạn đói khiến ít nhất 235.000 người thiệt mạng, nhưng giới chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Cuộc khủng hoảng khiến rất nhiều người tìm cách đào tẩu khỏi đất nước, mang theo những câu chuyện gây sốc với cộng đồng quốc tế. Trong khi người dân vật lộn tìm thức ăn, cơ sở hạ tầng y tế cũng phải chật vật ứng phó với lượng bệnh nhân tăng đột biến.
Những người đào tẩu kể về việc những cuộc phẫu thuật không có thuốc gây mê hay việc bác sĩ lén bán thuốc để kiếm tiền mua thức ăn. Một bác sĩ nhi khoa phải bỏ việc vì "không thể chịu được cảnh phải nhìn chằm chằm vào mắt những đứa trẻ đang chết đói nữa", tác giả Barbara Demick ghi lại trong cuốn sách đạt giải thưởng của bà về những người đào tẩu Triều Tiên có tên "Nothing to Envy".
Tomás Ojea Quintana, báo cáo viên Liên Hợp Quốc về vấn đề nhân quyền Triều Tiên, cho rằng quyết định đóng biên với Trung Quốc để ngăn Covid-19 lây lan đã khiến những người Triều Tiên sống ở khu vực biên giới bị giảm thu nhập tới 90%, cùng với đó là sự sụt giảm các nguồn nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.
Nếu Covid-19 bùng phát, Triều Tiên sẽ phải áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn, khiến đất nước có nguy cơ tiếp tục rơi vào nạn đói như thập niên 1990. Khi đó, danh tiếng "sạch bóng" Covid-19 của Triều Tiên sẽ bị ảnh hưởng, cũng như uy tín của lãnh đạo Kim Jong-un.
Cuộc khủng hoảng y tế thứ hai trong một thế hệ sẽ là đòn giáng mạnh vào giới lãnh đạo Triều Tiên. Các cơ quan tuyên truyền Triều Tiên lâu nay xây dựng hình ảnh lãnh đạo như những người bảo vệ, cứu tinh của dân tộc, nhưng điều này lại có nguy cơ phản tác dụng khi dịch bệnh bùng phát, bình luận viên Joshua Berlinger của CNN đánh giá.
Vũ Hoàng (Theo CNN)