"Gói viện trợ quân sự của quốc hội Mỹ chỉ là một liều thuốc tinh thần để Ukraine có thể vực dậy mỗi khi cảm thấy sợ hãi trước tình thế ngày càng tồi tệ trên chiến trường", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/4 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Im Chon-il cho biết.
Hạ viện Mỹ ngày 20/4 bỏ phiếu thông qua dự luật viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, sau nhiều tháng trì hoãn do vấp phải phản đối của đảng Cộng hòa. Dự luật được Thượng viện Mỹ phê chuẩn tối 23/4 và dự kiến được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hôm nay.
Động thái này sẽ giúp Mỹ có thể nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine và cung cấp cho Kiev các vũ khí, thiết bị mà nước này đang hết sức cần như đạn pháo, hệ thống phòng không. Một số chuyên gia nhận định gói viện trợ sẽ giúp Ukraine củng cố lực lượng, vực dậy sĩ khí và cản bước kế hoạch tấn công của Nga.
Trong khi đó, Thứ trưởng Im cho rằng bất kỳ khoản viện trợ quân sự nào của Mỹ cũng không thể ngăn cản bước tiến của quân đội Nga. "Chiến trường Ukraine từ lâu đã trở thành 'nghĩa địa' của rất nhiều loại vũ khí mà Mỹ và NATO từng khoe khoang", quan chức này nhấn mạnh.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, Mỹ và các đồng minh đã chuyển giao cho Ukraine lượng lớn vũ khí hiện đại chuẩn NATO, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực, thiết giáp, pháo phản lực và tên lửa các loại. Tuy nhiên, một số loại khí tài như xe tăng, thiết giáp đã không phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Theo Oryx, trang phân tích thông tin chiến sự có trụ sở tại Hà Lan, Ukraine đã mất ít nhất 11 xe tăng Leopard 2A6, 18 xe tăng Leopard 2A4, 7 chiếc Strv 122, 4 chiếc Abrams, một chiếc Challenger 2 và 76 thiết giáp Bradley từ đầu chiến sự.
Truyền thông Ukraine nhận định xe tăng, thiết giáp hiện đại của phương Tây hiện không còn hữu dụng như trước đây, khi thiết bị bay không người lái (drone) tự sát giá rẻ ngày càng phổ biến trên chiến trường.
Pháo phản lực phóng loạt HIMARS, khí tài từng né tránh được các đòn tấn công của Nga trong thời gian dài nhờ sở hữu tính cơ động, gần đây cũng liên tục hứng thiệt hại, dường như do Moskva đã tìm được cách khắc chế.
Dù vậy, các loại tên lửa tầm xa mà phương Tây chuyển giao cho Ukraine, như dòng Storm Shadow hay ATACMS, đã nhiều lần chứng minh được hiệu quả trên chiến trường. Kiev tuyên bố đã phá hủy hoặc gây hư hại nghiêm trọng 4 bệ phóng S-400 của Moskva ở bán đảo Crimea trong đòn tập kích hôm 17/4, được cho là bằng tên lửa đạn đạo ATACMS.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/4 cho biết ông và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã đạt thỏa thuận chuyển giao cho Ukraine thêm đạn ATACMS. Thượng nghị sĩ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, nói ông hy vọng tên lửa ATACMS sẽ đến tay Ukraine vào cuối tuần sau, thêm rằng đây sẽ là biến thể có tầm bắn 300 km, thay vì 165 km như phiên bản chuyển giao năm ngoái.
Anh hôm 22/4 thông báo gói viện trợ mới trị giá 3,7 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có 1.600 tên lửa các loại, bao gồm dòng Storm Shadow.
Triều Tiên nhiều lần công khai ủng hộ Nga trong cuộc xung đột Ukraine, cáo buộc Mỹ và phương Tây là nguyên nhân khiến chiến sự bùng phát. Trong cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng 9/2023, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ tin tưởng Nga sẽ "chiến thắng vang dội" trước đối thủ.
Phạm Giang (Theo KCNA, Sputnik, Reuters)