Trước Thế vận hội, Kim Kum-yong gần như vô danh, còn Ri Jong-sik quen mặt hơn khi đã thi đấu các giải châu Á và thế giới nhiều cấp độ. Họ mới tập đánh đôi cùng nhau từ đầu 2024 và giành vé dự Olympic vào tháng 4. Đôi này thậm chí không được Liên đoàn bóng bàn quốc tế (ITTF) xếp hạng do kinh nghiệm thi đấu hạn chế, khi đến Paris bị đánh giá thấp nhất trong số 16 cặp VĐV.
Thế nhưng, Ri và Kim tạo cú sốc đầu tiên khi đánh bại cặp hạt giống số hai Nhật Bản Hina Yayata – Tomokazu Harimoto 4-1 ở vòng 1/8. Đến tứ kết, họ tiếp tục thắng Christina Kallberg và Kristian Karlsson (Thụy Điển) với cùng tỷ số. Ở bán kết, cặp đôi Triều Tiên thắng nghẹt thở 4-3 trước hạt giống số bốn Hong Kong Doo Hoi Kem – Wong Chun-ting.
Trận chung kết sẽ diễn ra lúc 19h30 hôm nay, khi Ri và Kim gặp cặp hạt giống số một Trung Quốc Wang Chuqin và Sun Yingsha.
Màn trình diễn của cặp đôi Triều Tiên khiến chính các đối thủ ngỡ ngàng. "Họ khó nhằn hơn nhiều đối thủ khác", tay vợt Nhật Bản Harimoto nói với Reuters. "Chúng tôi đã xem họ ở một số giải trước đây nhưng đợt này họ làm tốt hơn nhiều".
VĐV Hong Kong Wong Chun-ting khẳng định đã dốc hết sức nhưng đối thủ cũng chơi rất tốt. Trong khi đó, HLV Liu Guodong của Hong Kong cho rằng đối thủ có phong cách chơi khác thường, đặc biệt là việc sử dụng vợt có gai dài ở bề mặt.
"Dùng gai dài là rất khác thường, rất khác so với các loại vợt mà chúng ta thường dùng", ông nói với Xinhua. "Nó tạo nên bóng xoáy và nhịp điệu khác biệt".
Trong khi đó, tay vợt Trung Quốc Sun Yingsha nhấn mạnh trận chung kết sẽ khó khăn hơn ba trận trước. Nhà vô địch bóng bàn đơn nữ Olympic 2020 chưa từng đối đầu hai VĐV của Triều Tiên và đánh giá cao tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Cô sẽ đề phòng những cú đánh dài, đồng thời nghỉ ngơi thật tốt để chơi hết mình.
Bóng bàn đôi nam nữ mới được đưa vào Olympic từ Tokyo 2020. Cặp đôi Nhật Bản Mima Ito và Jun Mizutani đã đánh bại Liu Shiwen và Xu Xin của Trung Quốc, để ngăn đối thủ thâu tóm cả năm HC vàng Thế vận hội.
Bóng bàn được đưa vào Olympic từ năm 1988. Trung Quốc thâu tóm 32 trong 37 HC vàng, còn lại thuộc về Hàn Quốc (3), Nhật Bản và Thụy Điển (1). Trong khi đó, Triều Tiên từng giành một HC bạc và ba HC đồng.
Hiếu Lương