Pháo phản lực Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh
Triều Tiên gần đây phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 lên độ cao hơn 2.000 km rồi sau đó rơi xuống biển Nhật Bản. Vụ phóng này khiến giới phân tích quân sự quốc tế chú ý tới khả năng dẫn đường cho tên lửa của Triều Tiên, theo National Interest.
Những tên lửa đạn đạo có tầm bắn rất cao như Pukguksong-2 phải được dẫn đường bằng vệ tinh để có thể rơi xuống vùng biển gần bờ mà không đâm xuống đất liền hay bay lạc sang không phận các nước láng giềng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Triều Tiên hiện nay chưa tự sở hữu hệ thống vệ tinh cần thiết có thể dẫn đường cho tên lửa.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng Triều Tiên nhiều khả năng đã sử dụng hệ thống định vị toàn cầu từ các vệ tinh Bắc Đẩu (BDS) của Trung Quốc để dẫn đường cho các tên lửa đạn đạo của mình.
Năm 2014, Trung Quốc mời các kỹ sư 8 nước châu Á, trong đó có Triều Tiên, tới thăm trung tâm vận hành vệ tinh ở Hà Bắc để giới thiệu về BDS.
Bắc Đẩu được triển khai từ năm 1994, là mạng lưới tương tự Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ. Nó có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự. Hệ thống này được Trung Quốc hoàn thiện vào cuối năm 2012 với 16 vệ tinh trên quỹ đạo để cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu.
Cuối năm 2014, tờ Global Times của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết Bắc Kinh không thể ngăn cản Bình Nhưỡng sử dụng hệ thống BDS cho mục đích quân sự. Chuyên gia này cho rằng Triều Tiên đã sử dụng hệ thống định vị này để dẫn đường cho máy bay không người lái xâm nhập không phận Hàn Quốc để do thám.
Tuy nhiên, các chuyên gia hiện chưa thể chắc chắn Triều Tiên đã sử dụng phiên bản nào của Bắc Đẩu. Nhiều chuyên gia cho rằng nước này đã sử dụng bản quân sự, do thiết bị dân sự dễ bị gây nhiễu điện tử và có độ chính xác kém hơn. Để sử dụng bản quân sự, Triều Tiên sẽ cần tới sự hợp tác của Trung Quốc, trong đó bao gồm chuyển giao công nghệ và thiết bị.
![trieu-tien-co-the-dan-duong-ten-lua-bang-ve-tinh-nuoc-ngoai](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2017/05/29/kn-15-parade-4600-1496024525.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OxensoRPXFkPbW8JggRIgA)
Tên lửa Pukguksong-2 được cho là có thể ứng dụng hệ thống Bắc Đẩu. Ảnh: Reuters.
Ngoài Bắc Đẩu, Triều Tiên cũng có thể sử dụng hệ thống GPS của Mỹ hay Glonass của Nga. Tuy nhiên, Moscow đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và công nghệ quân sự nhằm vào Bình Nhưỡng trong thập niên 2000, nên khả năng nước này sử dụng Glonass là không cao.
Hệ thống pháo phản lực (MLRS) KN-09 ra mắt trong cuộc duyệt binh ngày 15/4 có thể kết hợp tín hiệu của Bắc Đẩu và Glonass để tăng độ tin cậy và chính xác. KN-09 được cho là bản sao chép từ MLRS Trung Quốc, có hình dáng và cơ chế hoạt động rất giống pháo phản lực Nga.
Hòa Việt