"Bản đồ tử thần" trong phòng làm việc của ông Kim Jong-un
Triều Tiên hôm 14/5 phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn Hwasong-12, đạt độ cao hơn 2.000 km và bay xa 787 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Giới chuyên gia cho rằng vụ thử này giúp Triều Tiên tiến gần thêm tới tham vọng sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), loại vũ khí được coi là mối đe dọa hàng đầu với các thành phố Mỹ.
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ giáng đòn hạt nhân vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ dựa trên tấm "Bản đồ tử thần" xuất hiện trong đoạn video quay phòng làm việc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un năm 2013, theo Foreign Policy.
Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á, cho rằng thủ đô Washington D.C. của Mỹ sẽ bị tên lửa hạt nhân Triều Tiên nhắm bắn đầu tiên. Đây là mục tiêu rất rõ ràng, được quan chức Triều Tiên nhiều lần nhắc tới. Mục tiêu tiếp theo được cho là Trân Châu Cảng tại Hawaii, bởi đây là nơi đóng quân của Hạm đội Thái Bình Dương, lực lượng lớn nhất của hải quân Mỹ.
Các mục tiêu tiếp theo vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo ông Lewis, mục tiêu thứ ba nhiều khả năng là thành phố San Diego, nơi đặt một trong hai căn cứ chính của Hạm đội Thái Bình Dương. Ngoài ra, Triều Tiên cũng có thể nhắm bắn căn cứ không quân Vandenberg, nơi tiến hành thử nghiệm và triển khai chương trình tên lửa đạn đạo của không quân Mỹ.
Mục tiêu cuối cùng là khó đoán nhất, dù nhiều người tin rằng có thể là thủ phủ Austin của bang Texas. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên tấn công Texas, nhiều khả năng họ sẽ nhắm vào Thành phố không gian mạng (Cyber City) gần San Antonio, nơi đặt căn cứ không quân Lackland và Bộ tư lệnh Không gian mạng của không quân Mỹ. Bình Nhưỡng nhiều lần phàn nàn vì bị tấn công mạng, họ rất quan tâm tới việc duy trì quyền kiểm soát lực lượng hạt nhân.
Một khả năng khác là Triều Tiên sẽ tung đòn hạt nhân vào căn cứ không quân Barsdate, Los Angeles, nơi có tổng hành dinh của Bộ tư lệnh Tấn công Toàn cầu thuộc không quân Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng căn cứ không quân Offutt ở Nebraska, nơi đặt trụ sở Bộ tư lệnh Chiến lược Mỹ và sân bay Whiteman ở Missouri, nơi bố trí các oanh tạc cơ tàng hình B-2 cũng dễ trở thành mục tiêu bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa hạt nhân.
Theo chuyên gia quân sự Ryan Pickrell, trong trường hợp chiến tranh Mỹ - Triều Tiên nổ ra khi Bình Nhưỡng chưa sở hữu được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ ra lệnh tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ và đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á.
Nếu đứng trước nguy cơ bị xâm lược, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tập trung tấn công căn cứ quân sự Mỹ và khí tài chiến lược giá trị cao như hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Quân cảng Busan, nơi tập kết nhiều tàu chiến của Mỹ ở Hàn Quốc, nhiều khả năng cũng sẽ là mục tiêu oanh tạc của Triều Tiên.
Hồi đầu tháng 3, Triều Tiên phóng loạt 4 tên lửa Scud tăng tầm ra biển Nhật Bản với tuyên bố tập dượt tấn công các căn cứ Mỹ ở Nhật Bản. Báo cáo tình báo tiết lộ Triều Tiên đang nhắm tới căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ở Iwakuni, nơi đồn trú phi đội 10 chiếc F-35B.
Tên lửa Hwasong-12 mới thử nghiệm được cho là có tầm bắn vươn tới đảo Guam, nơi Mỹ triển khai hàng chục oanh tạc cơ chiến lược như B-1B, B-52 và B-2.
"Nếu Mỹ liều lĩnh, đánh giá sai vị thế chiến lược của Triều Tiên, mọi căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ bị phá hủy trong một đòn tấn công tổng lực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố hồi giữa năm ngoái.
Duy Sơn