Các em không đứng chào cờ và hát quốc ca mà xem qua màn hình. Ở một số vùng, quá nhiều học sinh theo dõi cùng một lúc gây nghẽn mạng. Tất cả tiết học ngữ văn, tiếng Anh, toán học và khoa học đều diễn ra trực tuyến. Một cậu học sinh cấp hai ngồi trước máy tính tại cửa nhà ở Bắc Kinh. Khi được hỏi đang học môn gì, cậu bé trả lời: thể dục.
Hầu hết trường học Trung Quốc được ấn định mở cửa trở lại vào ngày 17/2, nhưng thay vào đó, họ đã chuyển sang hệ thống giảng dạy trực tuyến, khi dịch Covid-19 vẫn hoành hành ở nước này. Nhiều phụ huynh đã mất kiên nhẫn. "Tôi đang sống kiểu gì vậy?", Cao Jing, bà mẹ hai con ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nói.
Cô không chỉ phải lo việc nội trợ mà còn phải chép bài cho hai đứa con, bé gái 11 tuổi và bé trai 7 tuổi, đồng thời cố gắng làm quen với công nghệ để kết nối các con với lớp học trực tuyến.
Hai con của Cao đã chán ngán cảnh phải ở nhà quá lâu và không thích chuyển sang học trực tuyến. "Chúng nó chỉ nghĩ đến chuyện chơi chứ không hề muốn học", Cao nói, hy vọng rằng trường sẽ sớm mở lại trước khi cô "kiệt sức".
Một số phụ huynh bày tỏ nỗi bất bình trên mạng xã hội. "Khi tất cả lớp học trực tuyến khai giảng hôm nay, phụ huynh sẽ trở thành trợ giảng và bảo mẫu bất đắc dĩ", một người mẹ viết trên Weibo.
Cảnh tượng này đang diễn ra trong các ngôi nhà trên toàn quốc mà không rõ bao giờ sẽ có hồi kết. Chính phủ Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp quyết liệt nhất để ngăn dịch lây lan, khiến hơn 780 triệu người, chiếm phân nửa dân số nước này, chịu các hình thức hạn chế đi lại khác nhau. Các cuộc tụ tập đông người đều bị cấm, kể cả ở sân trường. Tất cả trường học đều đóng cửa vô thời hạn khi virus corona tiếp tục lây lan.
Trung Quốc đang tập trung sức mạnh công nghệ vào việc đảm bảo trẻ em có thể học từ xa. Bộ Giáo dục Trung Quốc hôm qua khởi động "lớp học nền tảng đám mây quốc gia" với hơn 7.000 máy chủ, được thiết kế để phục vụ đồng thời 50 triệu học sinh tiểu học và trung học. 12 môn được giảng dạy trực tuyến, từ đạo đức cho đến khoa học thường thức. Kênh Truyền hình Giáo dục (CETV) phát các chương trình học qua vệ tinh đến các vùng xa có kết nối Internet yếu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cố gắng khuyến khích tinh thần lạc quan. "Mỗi thảm họa là một cú sốc và thách thức đối với các giá trị cuộc sống của chúng ta", một bài bình luận được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc có đoạn. "Cuộc chiến không tiếng súng chống virus corona đang diễn ra là bài học tuyệt vời nhất cho học sinh và cả người lớn".
Annie Yao, mẹ của một học sinh lớp năm tại Bắc Kinh, đánh giá tích cực về lớp học trực tuyến. Con trai 11 tuổi của cô, Jerry, hôm qua học từ 8h30 sáng đến 16h30. "Jerry vui vì hôm nay được học. Cô giáo yêu cầu các em đọc một cuốn sách và viết cảm nhận, vẽ tranh, làm bất cứ điều gì chúng giỏi", cô nói. Tuy nhiên, Jerry cho biết em thích đi học và chơi với các bạn cùng lớp trong giờ ra chơi hơn.
Tại Thâm Quyến, các giáo viên trường Thực nghiệm Minh Đức cố gắng làm quen với công nghệ trong ngày đầu giảng dạy trở lại. "Nhà trường và phụ huynh phải thông cảm cho nhau, một số phụ huynh đi làm không thể giám sát con em học tập trong ngày làm việc", một giáo viên lấy tên là Yang nói.
Hệ thống này còn nhiều bất cập. Nhiều gia đình không có máy tính, trong khi những nhà nhiều con không có đủ thiết bị. Tại nhiều gia đình, ông bà là những người trông cháu và họ không am hiểu công nghệ.
Ở những cấp học cao hơn, việc gián đoạn lịch học có thể gây tác động nghiêm trọng. Vào tháng 6, khoảng 10 triệu học sinh trung học sẽ thi đại học, kỳ thi có thể quyết định tương lai của họ. Bộ Giáo dục đang theo dõi sát sao dịch bệnh và sẽ quyết định có nên trì hoãn kỳ thi hay không, một quan chức cho biết vào tuần trước.
Không chỉ những đứa trẻ ở nhà. Nhiều người làm văn phòng cũng đang làm việc từ xa. Trong những căn hộ nhỏ, các phụ huynh vừa phải làm việc, vừa phải giám sát con cái học trực tuyến.
Để cố gắng giảm bớt gánh nặng, chính quyền Bắc Kinh ra chính sách rằng trong các gia đình có bố mẹ đều đi làm, một trong hai người có thể ở nhà chăm con và vẫn được hưởng lương như bình thường.
Tuy nhiên, việc không được đến trường có thể khiến trẻ em thấy căng thẳng, hay mè nheo, lo lắng, dễ giận dỗi hoặc kích động hơn, WHO cho biết trong hướng dẫn đối phó với dịch bệnh. "Hãy giữ những thói quen và lịch trình thường xuyên càng nhiều càng tốt, hoặc tạo ra thói quen mới trong một môi trường mới, bao gồm cả việc học cũng như thư giãn một cách an toàn", WHO viết.
Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết trong một thông báo tuần trước rằng "các lớp học trực tuyến không chỉ phục vụ mục đích học tập", bởi giáo viên còn có thể hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cho học sinh.
Các trường học trên khắp đất nước cho biết họ xây dựng các tiết học giúp trẻ em bình ổn cảm xúc. "Chúng tôi đã đưa ra tất cả khóa học trực tuyến phong phú và đa dạng mà chúng tôi có thể nghĩ ra", một giáo viên tại trường tiểu học Thực nghiệm ở Bắc Kinh, nói. Những khóa học này bao gồm các tiết nhắm đến chăm sóc cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.
Ở Thâm Quyến, Yang cố gắng duy trì tinh thần lạc quan: "Không ai biết chắc học sinh được trở lại trường khi nào, nhưng chúng tôi đang cố hết sức để xây dựng nội dung khiến các em cảm thấy hứng thú và bám sát chương trình giáo dục", cô nói.
Phương Vũ (Theo Washington Post)